Chuùng ta hoïc Phaät phaûi laáy thaønh toái Chaùnh Giaùc
Laøm muïc tieâu hoïc taäp

kinhphatthuyet.vn

NIỆM PHẬT KÍNH - CHƯƠNG MƯỜI - GIẢI THÍCH CÁC ĐIỀU NGHI HOẶC

NIỆM PHẬT KÍNH

Giảng giải: Đại Sư Thiện Đạo
 

CHƯƠNG MƯỜI

GIẢI THÍCH CÁC ĐIỀU NGHI HOẶC
 

Hỏi: Kinh Bát Nhã nói: Nếu dùng sắc mà thấy ta, dùng âm thanh tìm ta, người ấy làm theo đạo tà, không thể thấy Như Lai vì sao trong đây nói niệm Phật A Di Đà, vãng sanh về Tịnh Độ, được thấy Đức Như Lai?

Đáp: Sở dĩ trong Kinh Bát Nhã ngăn không cho thấy Như Lai vì người cầu tướng mạo và âm thanh là tìm cầu nhân và ngã mà không cầu vãng sanh hoặc cầu vô thượng bồ đề, nên chỉ hành theo tà đạo không thể thấy được Như Lai.

Trong Quán Kinh và A Di Đà Kinh dạy cần khởi tưởng niệm hoặc chuyên xưng danh, không cầu nhân ngã chi, chỉ cầu vãng sinh Tịnh Độ và vô thượng bồ đề gọi là chánh đạo được thấy Như Lai. Nếu vọng chấp pháp thân vô tướng làm sắc tướng âm thanh để được là tà, đây là đối với Bồ Tát địa Thượng mà nói. 

Quán Kinh và A Di Đà Kinh nói: Quán một tướng hảo hoặc dùng nghe danh mà thấy được báo thân Như Lai là đối với phàm phu hay tiểu thừa, Bồ Tát sơ phát tâm mà nói. Nếu vọng chấp báo thân quán Phật hoặc xưng danh dùng đem làm chánh, vô tướng làm tà nếu đối với pháp thân, chỗ câu hỏi là nghiêng về vô tướng. 

Căn cứ vào Bát Nhã Kinh: Lúc ấy Đức Thế Tôn trước hướng về cung Trời Đao Lợi, vì mẹ mà thuyết pháp. Lúc ấy Đức Thế Tôn từ Cõi Trời Đâu Suất đến Cõi Diêm Phù Đề. Ngài Tu Bồ Đề nhớ Đức Thế Tôn nhập định quán Phật, Phật liền ở trước mặt. 

Trong lúc ấy có một Thiên Nữ, không biết nguyên do thấy được Thế Tôn, đã thấy Phật rồi, Thiên Nữ hỏi Phật: Bạch Thế Tôn con có phải là người trước tiên thấy Phật phải không? 

Thế Tôn đáp: Ngươi là người thấy sau cùng. 

Thiên Nữ thưa: Con là người đầu tiên đến đây, không có người nào có thể đến thấy Phật trước, vì sao nói con thấy Phật sau cùng.

Đức Thế Tôn bảo: Có ông Tu Bồ Đề trước nhập định, trừ sạch nhân ngã, quán thấy được pháp thân, ở trước Thiên Nữ, còn Thiên Nữ khởi tâm nhân ngã, quán sắc thân của ta nên thấy sau cùng. 

Đức Thế Tôn vì đối với Thiên Nữ kia, nên nói tụng rằng: Nếu dùng sắc mà thấy ta, dùng âm thanh tìm ta, người ấy làm theo đạo tà, không thể thấy Như Lai. Bài tụng này đối với ngoại đạo vì đem lợi ích đương thời mà nói ra, không can hệ đến việc vị lai, nên không đồng với Quán Kinh.

Lại nữa trong Kinh Bát Nhã ngăn những người ngoại đạo, chấp tứ đại ngũ uẩn cho là thường còn, chấp sắc thân là ta, âm thanh là ta, lý do đó mà không thấy được Như Lai. Nay y theo Quán Kinh dạy, chán cõi Ta Bà, nguyện lìa sanh tử, mau sanh Tịnh Độ, mau chứng bồ đề, không cần thấy ngã tướng liền được Như Lai.

Hỏi: Trong Vãng Sanh Luận nói: Người nữ, căn khuyết và dòng nhị thừa không được vãng sanh.

Vì sao trong Quán Kinh nói Bà Vi Đề Hy và năm trăm thị nữ đồng được vãng sanh và ở trong trung phẩm hàng nhị thừa đều đương vãng sanh là ý gì?

Đáp: Y theo Vãng Sanh Luận nói: Người nữ và hàng nhị thừa không được vãng sanh vì hai thành phần này không có tánh muốn vãng sanh. Như người nữ chỉ yêu thích thân nữ, không cầu vãng sanh Tịnh Độ, không chịu niệm Phật nên luận ngăn cho là không được sanh.

Hàng nhị thừa vì căn khuyết cũng như thế, chỉ mong trụ ở trên quả, không nguyện sanh Tịnh Độ, không hiểu niệm Phật nên không được sanh. 

Quán Kinh và A Di Đà Kinh nói hàng nhị thừa, căn khuyết và nữ nhân nếu hồi tâm niệm Phật, nhàm chán thân nữ, nhàm chán căn khuyết, không chấp trụ tiểu quả liền được vãng sanh. Đây là Luận Vãng Sanh đối với căn cơ và pháp mà luận.

Để hiểu rõ toàn bộ chúng ta cần phải quán xuyến được sáu môn sau đây: Người niệm Phật đối với Di Lặc môn.

Hỏi: Công đức niệm Phật A Di Đà so với công đức niệm Di Lăc nhiều ít thế nào?

Đáp: niệm Phật A Di Đà công đức nhiều hơn gấp trăm ngàn muôn bội so với công đức niệm Di Lặc.

Vì sao biết được?

Y cứ vào Kinh nói: Phật A Di Đà hiện tại ở địa vị giác viên quả mãn, vượt hẳn các địa, nên người xưng niệm công đức rất nhiều. Di Lặc hiện ở địa vị Bồ Tát, chưa vượt hẳn các địa, quả vị chưa viên mãn nên xưng niệm công đức so sánh cũng ít rất nhiều.

Hỏi: Vì sao không niệm Di Lặc để sanh về cung Trời Đâu Suất mà lại niệm Phật A Di Đà để vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ?

Đáp: Vì Đâu Suất Thiên không ra khỏi tam giới, khi báo thân thiên thượng đã hết, liền trở lại cõi Diêm Phù Đề, vì vậy nên không nguyện vãng sanh về Cõi Trời.

Nếu vãng sanh về Tịnh Độ là ra khỏi ba cõi, cắt đứt năm đường, một lần sanh về Cực Lạc thẳng đến thành Phật, không còn bị đọa lạc, nên cần phải nguyện sanh.

Lại nữa, cung Trời Đâu Suất rất ít thời gian nhận được điều vui, còn quốc độ của Phật A Di Đà toàn sự vui tối thắng nên gọi là Cực Lạc, thời gian ở đây toàn nhận điều vui, không có hạn kỳ. Vì thế, sanh về Cõi Cực Lạc nhân duyên thù thắng hơn cung Trời Đâu Suất gấp trăm ngàn muôn lần.

Vì sao biết được?

Trong Kinh nói: Thân tướng thù thắng chúng sanh sanh về Cõi Phật A Di Đà đều có đủ ba mươi tướng như Phật. Người ở cung Trời Đâu Suất không có tướng này.

Đồ chúng thù thắng: Đã sanh về Cõi Tịnh Độ rồi thì cùng Bồ Tát bất thối làm bạn lữ, thọ nam tử thân, không có nữ tướng. Trái lại trên cung Trời Đâu Suất nam nữ ở chung lộn xộn.

Thọ mạng thù thắng: Chúng sanh quốc độ Phật A Di Đà tuổi thọ đồng Phật, một đời tiến đến Phật Quả, không còn trở lại. Thọ mạng người ở cung Trời Đâu Suất đến bốn ngàn tuổi, khi tuổi thọ đã mãn liền bị đọa lạc vào luân hồi.

Thần thông thù thắng: Nhân dân Cõi Phật A Di Đà đều có đủ sáu món thần thông. Người ở cung Trời Đâu Suất không có thần thông.

Quả báo thù thắng: Chúng sanh Cõi Phật A Di Đà y phục, ẩm thực, hương hoa, anh lạc, tất cả cung cụ tự nhiên hóa thành, không cần tạo tác, thọ dụng dài hạn không bao giờ dứt. Chư Thiên cung Trời Đâu Suất phải tạo tái mới có, dù có y phục nhiên, hưởng không được lâu dài. Bốn ngàn tuổi đã qua, mạng sắp lâm chung có năm thứ tướng suy thoái.

Hoa trên đỉnh héo. Thân toát mồ hôi. Đi đứng chẳng định. Khí lực suy nhược. Thân thể rung rẫy. So với Cực Lạc, nhân dân gấp trăm nghìn muôn phần thù thắng.

Hỏi: Khi đương lai Đức Di Lăc Hạ Sanh, thuyết pháp ba hội độ các chúng sanh, được quả A La Hán vì sao không nguyện sanh về Đâu Suất Nội Viện mà cầu sanh về Cõi Phật A Di Đà?

Đáp: Đức Di Lặc chưa Hạ Sanh, việc vị lai chưa thể đợi được.

Vì sao được biết?

Trong Kinh nói: Sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn, trải qua năm mươi sáu ức, bảy ngàn muôn năm. Lúc đó tuổi thọ của con người ở kiếp thành sống lâu tám muôn bốn ngàn tuổi, khi đó Đức Di Lặc mới ra đời. Căn cứ vào Pháp Vương Bổn Ký thì Phật Thích Ca Mâu Ni vào Niết Bàn đến nay mới hơn một ngàn bảy trăm năm. 

Vì vậy thời gian ở vị lai còn quá dài, không thể chờ đợi, chúng sanh mạng ngắn ngủi sợ phải đắm chìm trong bể khổ, nhiều kiếp chịu tai ương không thể chờ đợi Phật Di Lặc ra đời. Còn Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp trụ ở Thế Giới Cực Lạc, rộng độ chúng sanh, về ở Tây Phương là mau chứng đạo quả so với sự chờ đợi Hạ Sanh của Đức Di Lặc hơn trăm vạn bội phần.

Dù người gặp Phật Di Lặc ra đời thuyết pháp ba hội, rộng độ tất cả chúng sanh, được quả A La Hán, nếu hướng về đại thừa mới đến Sơ địa.

Ức ức chúng sanh không gặp Phật Di Lặc, niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh Độ là Bồ Tát từ Bát địa trở lên. Mau thì một niệm, mười niệm, chậm thì một ngày đến bảy ngày xưng niệm Phật A Di Đà liền sanh Tịnh Độ, thật vượt hơn gặp Phật Di Lặc trăm ngàn muôn ức bội phần.

Lại nữa, ngày Đức Bổn Sư nói Kinh A Di Đà thì Đức Bồ Tát Di Lặc cũng ở trong hội ấy tên là Bồ Tát A Dật Đa. Lúc ấy Bồ Tát Di Lặc còn niệm Phật A Di Đà, hà huống chúng sanh đời vị lai đâu chẳng chịu niệm Phật A Di Đà.

Lại nữa, pháp môn niệm Phật làm tiêu chuẩn cho các Kinh, nên Phật có lời huyền ký, thời mạt pháp cuối cùng, các pháp bị diệt hết, chỉ còn chánh pháp niệm Phật còn trụ được một trăm năm giáo hóa chúng sanh, nên biết pháp môn niệm Phật diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Niệm Phật đối với Tọa Thiền Môn.

Hỏi: Niệm Phật A Di Đà sao bằng Tọa Thiền, khán tâm, dùng pháp quán vô sanh?

Đáp: Niệm Phật A Di Đà vãng sanh Tịnh Độ mau thành quả Phật thù thắng hơn môn Vô Sanh Quán trăm ngàn vạn bội.

Vì sao được biết? 

Kinh Duy Ma Cật nói: Ví như ở giữa hư không tạo lập cung thất, hoàn toàn không thể thành, ở trên đất mà xây dựng cung thất tùy ý không trở ngại. Vô Sanh quán tâm cũng như vậy.

Vì sao?

Vì vô sanh là vô tướng, mà vô tướng tức là hư không, nên khó thành tựu. Pháp môn niệm Phật là sự lý song tu, giống như ở trên đất tạo lập cung điện, chắc chắn dễ thành. 

Vô sanh quán tâm như người nghèo khó chẳng có tiền bạc, học và muốn tạo lập ngôi nhà to lớn như cung điện của Nhà Vua, tuy cố gắng đốn cây từ nhỏ đến già chết, trọn không thành tựu, cuối cùng chỉ phí công vô ích mà thôi.

Người tu vô sanh quán tâm vì công đức pháp dài không thể thành tựu, uổng dụng công phu không có lợi ích. Pháp môn niệm Phật không giống như thế vì niệm Phật một câu diệt trừ tám mươi ức kiếp tội trọng sanh tử, liền được tám mươi ức kiếp vi diệu công đức, như một công tử nhà giàu muốn tạo lập nhà cửa liền được thành tựu. 

Vì vậy, trong Quán Kinh nói: Đức Như Lai A Di Đà có Đại Nguyện lực lâu đời, người nhớ tưởng chắc được thành tựu, chẳng đồng với vô sanh quán.

Vì sao? 

Kinh Pháp Hoa nói: Phật Đại Thông Trí Thắng, một đại kiếp tọa ở Đạo Tràng, Phật Pháp chẳng hiện tiền, chẳng được thành Phật Đạo. Nên biết Tọa Thiền quán tâm thành Phật chậm, còn niệm Phật chậm nhất bảy ngày, mau thì một ngày được sanh về Tịnh Độ, liền chứng vào vị Bồ Tát Bát địa, vì nhờ vào nguyện lực của Phật.

Hỏi: Công đức khán tâm nhiều hay ít so với công đức niệm Phật?

Đáp: Khán tâm công đức ít so với niệm Phật công đức nhiều hơn trăm ngàn muôn bội phần.

Vì sao được biết? 

Y theo Quán Kinh nói: Niệm Phật một câu diệt được tám mươi ức kiếp tội trọng sanh tử, được tám mươi ức kiếp vi diệu công đức. Một lần khán tâm chưa biết diệt được bao nhiêu tội, được bao nhiêu công đức, cũng không thấy nói diệt được bao nhiêu tội sanh tử, trái lại, niệm Phật dù tướng địa ngục hiện cũng đều tiêu diệt vãng sanh Tịnh Độ. Nên biết khán tâm công đức ít hơn công đức niệm Phật.

Hỏi: Niệm Phật vãng sanh được quả báo gì, quán vô sanh thành được quả báo gì?

So hai thứ cái nào thù thắng hơn?

Đáp: Niệm Phật vãng sanh được ba mươi hai tướng, sáu thần thông, trường sanh bất tử, ra khỏi ba cõi, thẳng đến thành Phật, không có đọa lạc, Bồ Tát Thánh Chúng là bạn lữ, Phật A Di Đà hiện tại thuyết pháp. Còn Quán Vô Sanh thành tựu sanh ở Trường Thọ Thiên, trải qua tám muôn bốn ngàn kiếp, liền đọa vào ác đạo.

Tu Vô Sanh quán, muôn người tu chưa có một người thành tựu. Dù may mắn được thành cao nhất cũng chỉ sanh về Trường Thọ Thiên. So với niệm Phật thật cách xa ngàn muôn bội phần.

Hỏi: Y cứ vào vô sanh quán chỉ dạy khán tâm, tâm ấy là đỏ, là trắng, là xanh, là vàng, quán như vậy sẽ thành hay không thành?

Đáp: Vô Sanh khán tâm chẳng phải xanh, trắng, chẳng phải đỏ vàng, không nói thành hay không thành, tâm không có tướng mạo lại không có thành tựu, hư phí công phu, nhọc nhằn có ích lợi gì?

Có người vấn nạn rằng: Khi khán tâm liền được thành Phật. Người khán y thì được ấm, khán thực phẩm thì được no, khán vàng thì được đồ trân báu để dùng, khi khán tâm cũng đắc đạo. Thời nay người khán y cũng không được ấm, khán tâm cũng không chứng quả.

Trong Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh nói: Tọa Thiền không phải ở trong thời mạt pháp.

Vì sao?

Vì trong Kinh ấy có nói rõ: Sau khi Phật diệt độ là thời chấn pháp trong năm trăm năm trì giới kiên cố. Thời Tượng Pháp một ngàn năm kế tiếp tu thiền định được kiên cố. 

Thời mạt pháp một muôn năm niệm Phật kiên cố. Y cứ vào Pháp Vương Bổn Ký thì thời này thuộc vào thời mạt pháp hơn mấy trăm năm. Vì vậy, thời này thuộc thời niệm Phật chứ không phải là thời Tọa Thiền. Vì thế, Đại Hạnh Hòa Thượng ở trước một số Thiền Sư, môn đồ dạy hồi tâm niệm Phật rất nhiều, đều có thành tựu vì hợp thời cơ.

Niệm Phật đối với giảng thuyết môn.

Hỏi: Công đức niệm A Di Đà Phật nhiều hay ít so với công đức nghe Kinh?

Đáp: Công đức niệm Phật nhiều hơn công đức nghe Kinh gấp trăm ngàn vạn bội phần.

Vì sao được biết?

Trong Quán Kinh phần hạ phẩm hạ sanh dạy: Có hạng người làm ác, do tạo nghiệp ác cực trọng, nên khi sắp lâm chung tướng lửa địa ngục đồng thời hiện ra. Người ấy may mắn gặp thiện tri thức vì người đó mà nói mười hai Bộ Kinh.

Người ấy nghe rồi, diệt trừ được một ngàn kiếp tội. Năng lực nghe Kinh diệt tội ít, nên tướng địa ngục chưa mất. Người trí dạy niệm Nam Mô A Di Đà Phật mười niệm, diệt trừ được tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử. Tướng địa ngục mất, người ấy theo Phật vãng sanh.

Hỏi: Đọc Kinh công đức nhiều hay niệm Phật công đức nhiều?

Đáp: Đọc Kinh công đức ít hơn niệm Phật. 

Hòa Thượng Đại Hạnh nói: Người không niệm Phật tu hành, đọc tụng Kinh cũng như người đọc toa thuốc, người niệm Phật như người uống thuốc. Đọc toa thuốc thì bịnh không lành, uống thuốc vào bệnh mới thuyên giảm. Đọc Kinh hành đạo công đức vẫn ít hơn niệm Phật.

Hỏi: Giảng Kinh công đức nhiều ít so với công đức niệm Phật?

Đáp: Giảng Kinh công đức cũng ít hơn công đức niệm Phật, trăm ngàn phần.

Vì sao?

Vì giảng Kinh cũng như đếm châu báu, niệm Phật cũng như dùng châu báu, đếm của báu tuy nhiều không thể trừ được nghèo đói, không nói được diệt tội, không nói được công đức. Người dùng của báu tuy không được nhiều nhưng có thể cứu giúp thân mạng, được công đức vô lượng. 

So sánh thì niệm Phật vẫn nhiều hơn công đức giảng Kinh trăm ngàn bội phần. Lại nữa người giảng Kinh như người mài đá, tuy được một phần lợi ích nhưng đều đáp lại cho người khác, làm tổn công đức của mình khi nhận người lễ bái cúng dường, tổn hại rất lớn. 

Vì vậy trong Luận nói: Như người nghèo ngày đêm đếm châu báu cho kẻ khác, tự mình không được nửa phân tiền, đa văn cũng như vậy. Vì thế, biết rằng công đức giảng Kinh so với công đức niệm Phật ít hơn gấp trăm nghìn phần.

Vì sao được biết?

Trong Luận Duy Thức nói: Người học Duy Thức phải phá ngã chấp và biến kế sở chấp. Người giảng luận phần nhiều miệng luôn nói pháp, tâm phần nhiều có ngã chấp và biến kế sở chấp. Người giảng pháp không khởi ngã chấp trong muôn người mới có một người. 

Kinh Pháp Hoa nói: Ngã mạn tự khoe cao, tâm siểm khúc không thật, trong ngàn muôn ức kiếp, không nghe được danh tự Phật, cũng không được nghe chánh pháp. Người giảng Luận muốn tránh tâm ngã mạn tự khoe thật khó, tuy giảng Kinh Luận vì động cơ độ người, nhưng không bằng công đức niệm Phật. 

Vì vậy có một số Pháp Sư như Hoài Cảm, Trí Nhân đều bớt phần giảng Kinh, Luận, đồng quy tâm niệm Phật.

Niệm Phật đối với Giới Luật Môn.

Hỏi: Công đức niệm Phật nhiều hay ít đối với công đức trì hai trăm năm mươi giới.

Đáp: Công đức niệm Phật hơn công đức trì giới trăm ngàn muôn bội phần.

Vì sao biết được? 

Y theo Kinh dạy: Người trì giới chứng được quả tiểu thừa chỉ vừa vào hàng Sơ địa là cao lắm.

 Kinh A Di Đà nói: Nếu người chấp trì danh hiệu từ một đến bảy ngày, lâm chung Phật và Thánh Chúng rước về Cõi Tịnh Độ. Người sanh về cõi ấy ở vị bất thối mà vị này thuộc về Bồ Tát ở Bát địa sắp lên. Do đó, người niệm Phật công đức nhiều hơn người trì giới hơn trăm vạn bội. Lại nữa, căn cứ vào Kinh nói thì thời này không phải là thời trì giới, mà là thời niệm Phật. 

Y theo Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi nói: Sau khi Đức Bổn Sư diệt độ, trong khoảng năm trăm năm trì giới được kiên cố là thời chánh pháp. Tượng pháp một ngàn năm kế Tọa Thiền được kiên cố, mạt pháp một vạn năm là thời niệm Phật kiên cố. Tính đến nay đã vào thời mạt pháp khá lâu. Nên biết đây là thời thích hợp cho niệm Phật, không phải là thời trì giới nên chuyên trì giới khó thành công.

Dù có người chuyên trì giới nhưng thường được danh dự lợi dưỡng, hiện ít người được A La Hán quả đa số chết rồi sanh về Cõi Trời, dù sanh được ở Cõi Trời vẫn còn ở trong nhà lửa. Đời nay, người trì giới, muôn người không có một người giữ giới trọn vẹn.

Vì sao?

Vì giới rất vi tế mà tâm người thời mạt pháp rất thô, giới nhiều khó giữ, người xưng danh hiệu Phật số ít dễ làm có nhiều công đức.

Hỏi: Niệm Phật được lợi ích nhiều hay ít so với trì giới?

Đáp: Niệm Phật được lợi ích nhiều, không bị tổn hại, trì giới bị tổn hại nhiều, ít có lợi ích.

Vì sao được biết?

Căn cứ vào Kinh Mục Liên Sở Vấn nói: Trong giới văn có ngũ thiên thất tụ, người phá giới thiên thứ nhất bị sáu trăm muôn năm đọa địa ngục, Phạm Thiên thứ hai gấp bội thiên thứ nhất, thứ ba gấp bội thứ hai, thứ tư gấp bội thứ ba, thứ năm gấp bội thứ bốn. Thiên nhẹ nhất cũng Phạm Đột Kiết La bị chín trăm muôn năm đọa địa ngục. 

Vì vậy, trong muôn người không được một, nên biết bị tổn hại nhiều, lợi rất ít. Trái lại người niệm Phật một câu trừ được tội trọng tám mươi ức kiếp sanh tử. Vì thế, người bị tội phá giới, niệm Phật A Di Đà tội liền được trừ dứt.

Vì sao được biết? 

Căn cứ vào Quán Kinh nói. Hoặc có chúng sanh hủy phạm năm giới, tám giới và cụ túc giới, người như thế phải bị đọa địa ngục, thọ khổ nhiều kiếp. Khi sắp lâm chung gặp thiện tri thức vì người ấy nói mười oai đức của Phật A Di Đà và khen ngợi thần lực ánh sáng của Đức Phật kia và dạy người ấy niệm Phật.

Người kia nghe rồi diệt trừ tám mươi ức kiếp tội sanh tử, vãng sanh Tịnh Độ, nên biết tội phá giới niệm Phật cũng được tiêu diệt. Do đó, niệm Phật thuần ích lợi không tổn hại. Vì thế, có rất nhiều Luật Sư đã chuyên tâm niệm Phật nguyện vãng sanh về Cực Lạc Thế Giới.

Trong Quán Kinh cũng dạy: Ba phẩm Bậc trung là người học luật niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ. Nên biết trì giới khổ hạnh không bằng niệm Phật.

Niệm Phật đối với Lục độ môn.

Hỏi: Công đức niệm Phật nhiều hay ít so với sáu thứ Ba la mật?

Đáp: Công đức niệm Phật nhiều hơn lục Ba la mật gấp trăm ngàn muôn bội phần.

Vì sao được biết? 

Y theo Kinh Duy Ma nói: Người niệm định tổng trì, tự cầu sanh Tịnh Độ đều được vãng sanh tất cả việc khác không cần hỏi đến.

Hỏi: Có người cho rằng niệm Phật như đánh trống miệng, phải giải thích thế nào?

Đáp: Cũng như miệng đánh trống, vì miệng tụng tâm ghi là do đánh trống mà thành, nếu không có tâm niệm, miệng không đâu mà đánh trống được. Niệm Phật cũng vậy, tâm tin miệng xưng liền được sanh Tịnh Độ, mau chứng vô thượng bồ đề. Nếu không có tâm miệng thì không nhờ vào đâu mà được vãng sanh.

Vì thế, miệng đánh trống cũng không hại gì?

Hỏi: Vì sao không niệm Phật Thích Ca lại niệm Phật A Di Đà?

Đáp: Niệm Phật A Di Đà là do Bổn Sư Thích Ca dạy niệm, như cha mẹ sanh con phải đem giao cho thầy dạy, học vấn thành công là do thầy lập ra. Niệm Phật A Di Đà cũng vậy. 

Đức Bổn Sư nói kinh, ân cần khuyên niệm Phật A Di Đà để được sanh về Tịnh Độ, mau chứng bồ đề. Đức Bổn Sư dạy niệm Phật A Di Đà như cha mẹ có nhiều con cái đang ở chỗ nguy hiểm, nhà lửa sắp cháy tan, con cái sắp bị chết thiêu, cần tìm cách cho con cái ra khỏi.

Cũng vậy, Đức Bổn Sư vì Ta Bà trược ác không thể ở lâu, sợ e chúng sanh phải đắm chìm vào địa ngục, nên đem chúng sanh đồng về Tịnh Độ, hưởng các điều vui, khỏi bị trầm luân, nên dạy nhớ niệm Phật A Di Đà, mà không niệm Bổn Sư.

Phương pháp niệm Phật thành Phật không phải chỉ Đức Thích Ca niệm Phật tam muội mà được thành Phật, mà Chư Phật ba đời trong mười phương đều nhân niệm Phật tam muội mà được thành Phật. 

Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: Chư Phật trong ba đời ở mười phương đều học niệm Phật tam muội, mau chứng vô thượng bồ đề. Nên biết Chư Phật trong ba đời nhân niệm Phật mà được thành Phật.

Hỏi: Vì sao không niệm mười phương Chư Phật lại riêng niệm có Phật A Di Đà?

Đáp: Chư Phật trong mười phương hiện tại, Phật A Di Đà là bậc tối thắng tối tôn bậc nhất. Trong mười phương Phật, Phật A Di Đà cùng chúng sanh kết duyên rất sâu dầy. 

Hiện tại Chư Phật trong mười phương, Phật A Di Đà có nguyện lực nhiếp hóa chúng sanh rất nhiều. Trong mười phương Phật, Tịnh Độ Phật A Di Đà rất tuyệt hảo. Tịnh Độ Chư Phật trong mười phương thì Tịnh Độ Phật A Di Đà rất gần. 

Danh hiệu mười phương Chư Phật, niệm danh hiệu Phật A Di Đà công đức rất lớn. Vì lý do trên nên niệm Phật A Di Đà mà không niệm Phật khác.

Hỏi: Vì sao nói pháp môn niệm Phật rộng nhiếp hết các môn?

Đáp: Niệm Phật tuy là một pháp nhưng có khả năng thu nhiếp rộng rãi các môn.

Vì sao được biết?

Xin cử thí dụ để giải thích. Niệm Phật như viên Như Ý Bảo Châu tuy chỉ có một viên, có thể nhiếp hết các châu báu khác.

Nên Kinh Pháp Hoa nói: Long nữ vì hiến bảo châu nên mau được thành Phật. Niệm Phật tuy là một pháp nhưng có khả năng tăng trưởng tất cả công đức, dẫn chúng sanh về Tịnh Độ, mau chứng vô thượng bồ đề, nên niệm Phật một pháp bao gồm tất cả pháp.

Kinh Duy Ma nói: Niệm định là tổng trì, bao hàm tất cả pháp. Nên một pháp niệm Phật bao hàm các pháp.

***