Chuùng ta hoïc Phaät phaûi laáy thaønh toái Chaùnh Giaùc
Laøm muïc tieâu hoïc taäp
LUẬN TỊNH ĐỘ
Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Ca Tài, Đời Đường
CHƯƠNG CHÍN
DẠY NGƯỜI CHÁN CÕI UẾ, ƯA CÕI TỊNH
PHẦN HAI
ƯA CÕI TỊNH
Người hiểu biết lại nghĩ như vậy: Nay thân này của ta sinh trong thời năm trăm năm thứ tư, tất cả Thánh Nhân đều không xuất hiện, tuy ta muốn tu đạo, cũng không có phần tu định tuệ, vì hiện nay chính là thời sám hối niệm Phật.
Kinh ghi: Phật A Di Đà cầm mái chèo từ bi, cưỡi con thuyền đại nguyện, không ngừng cứu vớt tất cả chúng sinh đau khổ.
Nếu người nào chí tâm niệm Phật A Di Đà thì trong mỗi niệm sẽ diệt được tội sinh tử trong tám mươi ức kiếp, lúc qua đời chắc chắn được sinh về Tịnh Độ, hưởng các sự vui sướng.
Chứng được năm thần thông, được ngôi bất thoái chuyển, tùy ý dạo chơi các cõi báu, rừng hoa, tùy ý nghe thực tướng viên âm, thụ thân màu vàng ròng trên đài hoa sen.
Đức Phật với ba hai tướng đại trượng phu ngự trên tòa Kim Cang, người ấy đến bên thềm Thất Bảo, quì thẳng, thưa hỏi pháp môn bất nhị, vào ao nước tám công đức rửa sạch cáu bẩn vô minh, mặc thì bằng lụa là vừa vặn thân mình, ăn thì trăm món đầy bát, đi thì bước trên hoa sen xanh, ngồi thì hoa báu đỡ thân.
Có rừng cây lá bằng lưu ly, hoa bằng mã não lay động tỏa ra toàn những hương thơm ngát, các thứ quả sặc sỡ sắc màu khắp trên cây, có lan can chạm trổ bằng tứ bảo, đất bằng Thất Bảo sáng rực.
Có sáo phát ra ngàn âm thanh, lầu gác muôn màu, chim bạch hạc và khổng tước thường diễn nói ngũ căn, chim anh vũ và Xá Lợi thường tuyên giảng bát chánh đạo, Đức Phật A Di Đà thì rõ ràng các tướng đại trượng phu, Bồ Tát Quán Thế Âm thì đầy đủ các vẻ đẹp. Những việc như thế không thể nghĩ bàn, ai nghe nói cũng đều vui mừng cả.
Hỏi: Ngài đã chỉ dạy sự chán ghét cõi uế và ưa thích Cõi Tịnh, người hiểu biết đã ngộ rồi, nhưng kẻ độn căn còn chấp sai lầm chưa thức tỉnh. Xin Ngài khích lệ tinh thần kẻ độn căn để họ cũng được vãng sinh Tịnh Độ.
Đáp: Kinh A Di Đà Tiểu bản ghi: Chư Phật khắp mười phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp ba nghìn đại thiên Thế Giới, khuyên tất cả chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ.
Nhưng có chúng sinh không vâng lời khuyên của Phật, khó dạy, khó ngộ, khó độ, khó thoát, thì biết làm thế nào?
Những chúng sinh ấy, theo Kinh Vô Lượng Thanh Tịnh Giác, mới từ địa ngục đến, tội lỗi chưa hết.
Do đó, Kinh ghi: Nếu Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhân nghe nói pháp môn Tịnh Độ mà lòng tràn đầy xúc động, lông trên người dựng đứng, nên biết, người ấy trong quá khứ đã tu Phật Đạo.
Nếu có người nghe pháp môn Tịnh Độ mà không tin ưa, nên biết, người ấy mới từ ba đường ác đến, tội lỗi chưa hết, vì thế, họ không tin theo. Ta nói người ấy không thể giải thoát được.
Kinh Vô Lượng Thọ ghi: Người kiêu mạn và biếng nhác khó tin pháp này.
Cả hai Kinh Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thanh Tịnh Giác đều ghi: Cõi thắng đạo vô cực dễ đến mà không có người.
Cõi Tây Phương là cõi thắng đạo vô cực, nếu người chuyên tâm niệm Phật trong bảy ngày, các việc thiện làm được đều hồi hướng về Tây Phương thì đều được vãng sinh về đó, vĩnh viễn xa lìa tam đồ, bước vào giai vị bất thoái chuyển. Đấy là lý do dễ đến.
Nhưng có những chúng sinh không chịu tin theo pháp môn Tịnh Độ, cứ mê muội trong ngũ dục, ưa thích vào đường ác, giống như dòi bọ trong nhà xí. Đấy là lý do không có người.
Hơn nữa, Phật A Di Đà cùng hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cưỡi con thuyền đại nguyện đi trong biển sinh tử đến Thế Giới Ta Bà này kêu gọi và giúp chúng sinh lên thuyền đại nguyện, đưa họ về Tây Phương.
Nếu chúng sinh nào lên thuyền đại nguyện, đều được đến Tây Phương. Đấy là lý do dễ đến.
Thích Ca Như Lai và Chư Phật khắp mười phương, các vị Bồ Tát Phổ Hiền, Văn Thù, Thiên Thân, Long Thọ, hoặc hiện tướng lưỡi rộng dài.
Hoặc phóng ánh sáng từ tướng bạch hào, hoặc nói huyền môn ngũ niệm, hoặc dạy thập nhị tán lễ, đều ân cần khuyến khích chúng sinh sinh về Tịnh Độ, nhưng họ không tin ưa nên không chịu đến Tây Phương. Đấy là lý do không có người.
Ngoài ra, chúng sinh từ vô thỉ đến nay tạo các nghiệp ác nhiều hơn số cát Sông Hằng. Mỗi nghiệp ác đều cảm quả báo khổ cũng nhiều vô số.
Nếu người nào có thể chuyên tâm niệm Phật trong bảy ngày hoặc mười ngày, mỗi niệm sẽ diệt được tội nặng sinh tử trong tám mươi ức kiếp, cắt ngang dòng khổ, sinh thẳng về Tịnh Độ. Đấy là lý do dễ đến.
Nhưng chúng sinh mãi đuổi theo tiền của, sắc dục, tham đắm danh lợi, không sớm phát tâm tu hành, khi vô thường chợt đến thì rơi vào tam đồ trăm vạn kiếp không có ngày ra. Đấy là lý do không có người.
Lại, chúng sinh tin lời Phật, lời Bồ Tát, lời thiện tri thức, không theo lời ác tri thức, cho đến chúng sinh tin thập ác, ngũ nghịch, lúc lâm chung, thành tựu được mười niệm niệm Phật, thì liền được vãng sinh. Đấy là lý do dễ đến.
Nếu có chúng sinh không tin lời phật lời Bồ Tát, lời thiện tri thức, nhưng nương theo các Sư không có học vấn hoặc kẻ tục gia không hiểu biết mà nói dối là hiểu pháp đại thừa.
Dẫn chứng bừa Kinh Luận, e rằng sẽ làm loạn Phật Pháp, dối gạt chúng sinh, suy nghĩ sai lầm về công hạnh Phật, đánh mất căn lành, đọa vào tam đồ, không được vãng sinh. Đấy là lý do không có người.
Nếu có người nghe nói chuyên niệm Phật A Di Đà sẽ được vãng sinh, liền sám hối nghiệp ác, tu tập các thiện căn, giữ giới thanh tịnh, chuyên niệm hồng danh Phật, nhất tâm không loạn đến trăm vạn biến, người ấy lúc lâm chung được chính niệm hiện tiền, Phật liền đến rước. Đấy là lý do dễ đến.
Nếu có chúng sinh nghe nói về Phật A Di Đà mà vẫn cố tạo tội, dù có niệm danh hiệu Phật, song tâm duyên ngũ dục thì cũng chỉ là xen niệm phiền não, đến lúc lâm chung, tâm sẽ điên đảo, Phật không đến rước. Đấy là lý do không có người.
Hỏi: Kinh tuy nói niệm Phật bảy ngày liền được vãng sinh, nhưng tôi chưa biết niệm bao nhiêu danh hiệu Phật mới được vãng sinh?
Đáp: Theo sự nghiệm xét văn Kinh của Thiền Sư Đạo Xước, chỉ cần niệm Phật nhất tâm không loạn được trăm vạn biến trở đi, chắc chắn sẽ được vãng sinh. Dựa theo Kinh A Di Đà Tiểu bản, Thiền Sư lại kiểm thấy niệm Phật bảy ngày được trăm vạn biến.
Vì thế nên Kinh Đại Tập, Kinh Dược Sư, và Kinh A Di Đà Tiểu bản đều khuyên niệm Phật bảy ngày.
Hỏi: Nghiệp tội của chúng sinh chất chứa từ rất lâu nhiều như núi, làm sao mười niệm có thể diệt bấy nhiêu nghiệp tội ấy được?
Vì dù niệm đến trăm vạn biến, cũng là quá ít, mà nếu không diệt hết tội thì làm sao được vãng sinh?
Đáp: Vấn đề này có ba nghĩa:
Không cần diệt bấy nhiêu nghiệp tội ấy, vậy chỉ cần lúc lâm chung vẫn được vãng sinh Tịnh Độ: Nếu lúc lâm chung, giữ được chính niệm hiện tiền, tâm ấy có thể dẫn các nghiệp thiện người ấy tạo được từ vô thỉ và trong một đời đến nay cùng giúp sức, khiến họ liền được vãng sinh.
Danh hiệu của Chư Phật do gom muôn đức mà thành, nhưng có thể niệm Phật một niệm: Tức là trong một niệm đó đã niệm chung cả muôn đức.
Do đó, Kinh Duy ma ghi: Nghĩa ba câu ấy, giả sử chúng sinh trong ba nghìn Thế Giới đều là bậc Đa văn đệ nhất như Ngài A Nan, lại sống lâu đến một kiếp, cũng không thể thọ trì nổi.
Nghiệp ác vô thỉ sinh từ vọng tâm, công đức niệm Phật sinh từ chân tâm: Chân tâm giống như mặt Trời, vọng tâm giống như bóng tối. Chân tâm vừa khởi thì vọng tâm liền mất, giống như mặt Trời mới ló dạng thì bóng tối tan mất.
Do ba nghĩa này, nên ngay đến người lúc lâm chung thành tựu được mười niệm niệm Phật, chắc chắn được vãng sinh.
Hỏi: Tịnh Độ thắng diệu chính là chỗ ở của Đấng Pháp Vương, Liên Hoa đài tạng chẳng phải nơi đến của hàng phàm phu.
Về lý, phàm phu phải ở cõi Phàm, Thánh Nhân phải trụ Cõi Thánh, sao hạng phàm phu thấp kém lại được sinh về chỗ thắng diệu ấy?
Đáp: Căn cứ bốn mươi tám đại nguyện của Phật A Di Đà, Tịnh Độ tuy nhiệm mầu nhưng vốn nhằm thành tựu hàng phàm phu, Liên Hoa đài tạng là chỗ họ thác sinh. Nếu là phàm phu thì không đến được Tịnh Độ, là Pháp Vương thì đâu được ở chốn ngũ trược.
Tuy nhiên, Phật là Đấng Pháp Vương, vì muốn hóa độ chúng sinh, nên Ngài đến chốn ngũ trược. Cũng như thế, tuy là hàng phàm phu, nhưng để cúng dường Phật, nên chúng sinh sinh về Tịnh Độ. Lý này thật rõ ràng.
Ngoài ra, Tịnh Độ kia chỉ là cảnh giới không có người nữ và ngũ dục, do Chư Phật dùng phương tiện từ bi sắp đặt riêng ở một phương, giúp chúng sinh trong đó tu đạo. Đó cũng là nơi của chúng sinh hóa sinh, chẳng phải chỗ cực diệu.
Giống như trong thành thị có một nơi được sắp đặt riêng biệt để làm Chùa, tại đó việc thế tục được dẹp bỏ, để Chư Tăng tu đạo, hễ chúng sinh nào bước vào Chùa thì đều khởi thiện tâm, chốn Tịnh Độ kia cũng như thế.
Dù đến như diệu cảnh ở bốn Cõi Thiền và các cung điện nơi sáu tầng Trời này, y báo đều là trân bảo hiếm lạ, chính báo đều là diệu tướng sáng rỡ, y phục mỏng nhẹ.
Thức ăn trăm vị ngon, chỗ ngồi và nằm đều là cung hoa báu, nơi dạo chơi là các vườn cây xinh đẹp, nhưng những nơi như thế cũng đâu phải là chỗ ở của đấng Pháp Vương, mà đều là cảnh giới do nhân lành của phàm phu cảm được. Sự so sánh này thật rõ ràng.
Hỏi: Kinh Luận đại thừa đều nói về vô tướng và vô sinh, tại sao Kinh này khuyên bảo chúng sinh quán tướng và cầu sinh về Tịnh Độ?
Đáp: Câu hỏi này là câu hỏi không thuận lý, lẽ ra không đáp.
Nếu đáp, trước nên hỏi ngược lại: Chư Phật có tám bốn nghìn pháp môn, ông hỏi pháp môn nào?
Tịnh Độ phương Tây thuộc pháp môn nào?
Vô tướng vô sinh thuộc pháp môn nào?
Nếu người nọ đáp rằng cả hai chỉ là một pháp môn, thì đó là người ngu si, ông không nên nói chuyện với họ.
Nếu người ấy đáp rằng: Vô tướng vô sinh là lý, hữu tướng hữu sinh là sự, thì qua lời người ấy đối đáp với tôi, ông tự hiểu rồi, đâu cần hỏi tôi nữa.
Do đó, muốn tôi đáp thì tôi đáp như vậy: Chư Phật có tám bốn nghìn pháp môn khác nhau, không lẫn lộn, nếu tóm chung lại thì chính là Chân Đế và Tục Đế. Dù có Phật hay không có Phật, tính tướng hai đế này vẫn thường trụ, không do người tạo ra.
Cho nên Trung Luận ghi: Chư Phật thuyết pháp thường căn cứ vào hai đế, và: Nếu có người không phân biệt được hai đế, người ấy không lĩnh hội được nghĩa chân thật của Phật Pháp sâu xa.
Tịnh Độ phương Tây có ba thứ:
Pháp Thân Tịnh Độ là cõi vô tướng vô sinh.
Báo Thân Tịnh Độ thật ra theo lý cũng là cõi vô tướng vô sinh, còn theo sự là hữu tướng hữu sinh.
Hóa Thân Tịnh Độ cũng là cõi hữu tướng hữu sinh.
Do đó, luận Nhiếp đại thừa ghi: Hóa thân luôn luôn ra đời, mà thường xuyên nhập diệt, tức là Đức Phật sinh trong Cung Vua, nhập diệt ở rừng Song Thụ, mà nay khuyên chúng sinh cầu sinh là sinh trong Hóa thân độ. Nếu chúng sinh muốn vãng sinh, chỉ cần quán tướng sinh.
Phép quán này gồm có quán giả và quán thật: Trước hết, cần thực hành quán giả cho thật rõ ràng, rành mạch, sau đó, mới được thực hành quán thật. Như trong Thập lục quán, hai phép quán mặt trời và nước là quán giả, từ phép quán đất trở đi đều phải nhờ vào tam muội để thành tựu, nên gọi là quán thật.
Sở dĩ như thế là vì đó là nơi chúng sinh thụ sinh, vì đó là sự pháp, là Tục Đế, là hành pháp, là thụ xứ, vì chúng sinh nơi đó có thân phần đoạn, chết đây sinh kia, vì đó là pháp hữu lậu, vì đó là pháp hữu vi, vì nơi đó thuộc tam giới, có đến có đi, chúng sinh trong đó đều là chúng sinh hóa sinh.
Nếu quán vô tướng vô sinh thì không được vãng sinh, vì lý pháp thân vô sinh. Nếu muốn chỉ dạy mọi người thì có thể nói hữu sinh, hoặc cũng có thể nói vô sinh. Nếu tu cả sự và lý thì được Thượng Phẩm thượng sinh.
Hỏi: Kinh Kim Cang Bát Nhã ghi: Nếu ai dùng sắc để thấy ta, dùng âm thanh cầu ta thì người đó thực hành tà đạo, không thể thấy Như Lai, và Kinh Phật Tạng ghi: Nói thấy Phật, tức là có tà kiến nặng. Nhưng tại sao ở đây dạy người quán Phật A Di Đà có tám bốn nghìn tướng quí?
Đáp: Việc này đã trả lời ở trên rồi.
Những Kinh như thế đều dựa trên lý pháp thân, cho nên Kinh Kim Cang Bát nhã ghi: Diệu thể Như Lai kia chính là pháp thân, không thể thấy được pháp thân Chư Phật, ý thức cũng không thể biết.
Nay quán tám bốn nghìn tướng hảo, chính là quán ứng hóa thân. Nếu quán tướng này thì cần quán từng tướng rõ ràng, từng vẻ đẹp riêng biệt, không được nhập thành một tướng.
Nếu có người nói muôn pháp đều là không thì sự lý thế nào?
Đó là người tà kiến nặng, người ngu dốt, người không có học vấn, người dối gạt thế gian.
Chớ nói chuyện với họ!
Do đó, Trung Luận nói: Nếu ai thấy có Như Lai, đó là người có tà kiến nhẹ. Nếu ai nói không có Như Lai, đó là người có tà kiến thô nặng.
Tất cả đều có hai tội là phá hoại niềm vui thế gian và phá hoại đạo Niết Bàn. Luận này chỉ trình bày theo lý. Nếu nói theo sự, ai thấy có Như Lai là thấy chân chính, chắc chắn được vãng sinh.
Hơn nữa, Luận Địa Trì nói: Thà khởi hữu kiến lớn như núi Tu Di, chứ không khởi Không kiến nhỏ bằng hạt cải.
Hỏi: Nghĩa người niệm Phật cắt đứt được dòng khổ, được sinh về Tịnh Độ trích từ văn Kinh nào?
Đáp: Từ văn Kinh Vô Lượng Thọ: … cắt đứt năm đường ác, đường ác tự nhiên bít, đường thăng tiến thênh thang vô cùng, dễ đi mà không có người.
Hỏi: Nghĩa người niệm Phật không rơi vào ba đường ác nói ở trên trích từ văn của Kinh nào?
Đáp: Kinh Độ Chư Phật Cảnh Giới nói: Nếu chúng sinh nghĩ tưởng đến Như Lai mà khởi các hạnh lành thì trừ được nghiệp địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ trong vô số kiếp.
Nếu có chúng sinh khởi một niệm nghĩ đến Như Lai thì được vô số công đức không thể tính đếm được, các Đại Bồ Tát cũng không thể suy lường biết giới hạn của những công đức ấy.
Hỏi: Nghĩa niệm Phật diệt được tội nói ở trên được trích từ văn Kinh nào?
Đáp: Kinh Quán Phật Tam Muội nói: Nếu đệ tử ta lìa bỏ chỗ ồn ào, ngày đêm sáu thời, mỗi thời chia thành nhiều phần nhỏ, trong mỗi phần nhỏ có thể quán tưởng tướng bạch hào của Phật trong chốc lát, giữ tâm tưởng rõ ràng, không nhầm lẫn, tập trung ý nghĩ, dù thấy được tướng hảo của Phật hay không, thì người này cũng trừ được tội sinh tử trong vô số kiếp.
Hơn nữa, Kinh Đại Tập ghi:
Phật nói: Này A Nan! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân trong một kiếp hoặc ít hơn một kiếp dùng tất cả mọi tiện nghi vừa ý cung kính cúng dường các vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán đầy khắp trong ba nghìn đại thiên Thế Giới, ý ông thế nào, người ấy được phúc có nhiều không?
A Nan đáp: Thưa Thế Tôn, rất nhiều.
Phật bảo Ngài A Nan: Nếu lại có người ở trước Chư Phật chắp tay một lần, xưng danh hiệu các Ngài một lần, so với phúc đức của người này, phúc đức của người trước không bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn ức, một phần Ca La.
Vì sao?
Vì phúc điền của Chư Phật Như Lai lớn nhất trong các phúc điền.
Thêm nữa, Kinh Địa Tạng Bồ Tát có ghi: Nếu người nào muốn sinh về Tịnh Độ hiện tại ở phương khác, phải chuyên tâm tụng niệm danh hiệu Phật của Thế Giới ấy, đến nhất tâm không loạn thì chắc chắn được vãng sinh Tịnh Độ của Đức Phật ấy, căn lành Tăng trưởng, thành tựu mau chóng quả vị bất thoái chuyển.
Người hỏi: Tịnh Độ chính là nẻo về thiết yếu được Ngài Pháp Tạng dùng tài khéo khuyên tu, là phương thuật vi diệu do Phật Thích Ca đem tâm từ chỉ dạy, chúng sinh sáu đường nhờ đó mà chấm dứt luân hồi, bốn loài nương đó mà thác sinh, mãi mãi an vui ở Tịnh Độ, vĩnh viễn lìa xa khỏi Ta Bà.
Đâu chỉ tu ba phúc nghiệp sẽ bước lên Thượng Phẩm, mà còn khởi mười niệm Phật cũng được vào hạ sinh. Đó là nơi mọi chúng sinh cùng qui tụ không sót một người.
Nay Ngài đã dùng yếu thuật khai ngộ cho tôi, dùng ngọn đuốc soi đường giúp tôi. Từ nay về sau, tôi xin vâng làm theo.
Bây giờ, xin đọc bài tụng:
Ba cõi sao mờ mịt!
Bốn loài quá mênh mang!
Đều gọi là nhà lửa,
Cũng có tên lũ mù,
Mê muội trong đêm dài,
Ngủ vùi mãi chẳng tỉnh.
Nhờ xét đoán, chỉ lỗi,
Soi sáng chỗ tối tăm.
Pháp Tạng phát nguyện lớn,
Luôn giữ chí hoằng dương,
Chỉ nêu cao Tịnh Độ,
Hiệu là Vô Lượng Thọ,
Dạy mười sáu phép quán,
Vãng Sinh về chín phẩm,
Vang bóng mãi khắp nơi,
Ngàn năm không hoại diệt.
***