Chuùng ta hoïc Phaät phaûi laáy thaønh toái Chaùnh Giaùc
Laøm muïc tieâu hoïc taäp

kinhphatthuyet.vn

LUẬN THI THIẾT - PHẦN SÁU

LUẬN THI THIẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

PHẦN SÁU
 

Hỏi: Do đâu có người bị trạo cử lay động không yên?

Đáp: Như có người thường có thói quen luôn bị quấy động mãi không yên trạo cử mà không thích gần gũi rèn tập các thứ yên lặng, thôi dứt.

Người đó chết rồi sẽ nói sao đây?

Họ sẽ thành những kẻ ưa ca múa vui đùa, cười giỡn, hoặc sinh lên các cõi Trời ở Dục Giới, là do nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Vì sao có người không bị trạo cử?

Đáp: Nghĩa là có người thường ưa gần gũi luyện tập các sự việc vắng lặng, yên tĩnh, ngưng dứt… mà không thích gần gũi sự náo động không yên… người đó chết rồi sẽ nói sao đây?

Họ sẽ thành các bậc Tiên Nhân, những vị xuất gia, và các vị trưởng giả, hoặc là những người được sinh ở cõi Trời Sắc và Vô Sắc, là do các nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Vì sao ở đời lại có kẻ lắm lời nhiều tiếng?

Đáp: Nghĩa là như có người thường gần gũi giao tế rèn tập với kẻ ba hoa nói nhiều, mà không chịu gần gũi luyện tập với người điềm đạm, ít nói.

Người này chết rồi sẽ nói sao đây?

Họ sẽ thành loài hay kêu hót như anh vũ, vẹt két, cò vạc, le le đậu trên cây, trong lồng lưới, hay các loài chim đang bay mà hay kêu hót như yến, nhạn, là do nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao lại có người không lắm tiếng nhiều lời?

Đáp: Nghĩa là như có người thường có các thói quen hay gần gũi với người điềm đạm ít nói, mà không ưa thích gần gũi rèn luyện với kẻ ba hoa nói nhiều.

Người đó chết rồi sẽ nói sao đây?

Họ sẽ thành các bậc Tiên Nhân, các vị xuất gia, trưởng giả… và những người được sinh ở các cõi Trời Sắc và Vô Sắc, là do các nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao lại có kẻ ngu tối, đần độn?

Đáp: Nghĩa là như có người không thể nào gần gũi rèn tập với kẻ đa văn hiếu học, không ưa thích việc dùng các thứ tiếng ở các địa phương khác mà diễn giảng giải thích nghĩa lý. Do các nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Do đâu mà có người không ám độn?

Đáp: Nghĩa là như có người thường gần gũi rèn luyện với những bậc đa văn, học giỏi mà không ưa gần gũi giao tế với kẻ ít học ít nghe, lại thường dùng các thứ tiếng của nhiều địa phương khác mà giải thích các nghĩa lý. Người này chết rồi sẽ làm những người diễn giảng thuyết pháp khéo léo nhất trong hàng Bà La Môn hoặc trong hàng Sa Môn…

Do các nhân đó nên có việc như thế.

Lại nữa, nên biết những kẻ ít nói có hai loại: Đó là kẻ thấp hèn và bậc tôn quý.

Thế nào là kẻ thấp hèn ít nói?

Nghĩa là như có người dù là nghèo hèn nhưng vì có trí nên luôn nương nhờ vào cha mẹ, Sư Trưởng có danh tiếng cao quý và các người trí thức khác, cho nên gọi là kẻ thấp hèn ít nói.

Thế nào là bậc tôn quý ít nói?

Nghĩa là như người có bản tánh cao quý và lại có trí, thường hay nương nhờ vào cha mẹ, Sư Trưởng có danh tiếng cao sang và những bậc trí thức khác, cho nên gọi là người tôn quý ít nói.

Hỏi: Thế nào là người có hạnh mà không có tuệ?

Đáp: Nghĩa là như có người luôn luôn tìm học chánh pháp không hề nhàm chán. Nhưng đối với các nghĩa lý lý thú đường lối của pháp thì lại không chịu suy nghĩ tìm hiểu. Do các nhân đó mà có việc như thế.

Hỏi: Thế nào là người có tuệ mà không có hạnh?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với nghĩa lý sâu xa của các pháp thì thường suy xét tìm hiểu kỹ lưỡng, nhưng đối với chánh pháp thì không tìm học nhiều, chỉ nghe học chút ít đã cho là đủ. Do các nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu ở đời có người không có tuệ mà cũng không có hạnh?

Đáp: Nghĩa là như có người không thường cầu học chánh pháp mà đối với nghĩa lý đường lối của các pháp cũng không hề tìm hiểu. Do các nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu ở đời có người có hạnh và tuệ đều đầy đủ?

Đáp: Nghĩa là như có người thường cầu học chánh pháp lại luôn luôn tìm hiểu quán xét nghĩa lý của các pháp. Do các nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu mà có thể giữ gìn được chánh pháp?

Đáp: Nghĩa là như có người thường xuyên nương dựa vào hành tướng của các pháp, đối với mười hai xứ của pháp mà khéo lãnh thọ, nhận biết giữ gìn. Do các nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao ở đời có người luôn lãng quên?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với các pháp bất thiện thì luôn chứa nhóm tích tụ mà xoay chuyển, rèn tập gần gũi, luôn làm các hạnh xấu ác. Người này khi chết rồi thì bị đọa vào các đường dữ ở trong địa ngục.

Khi ở Địa Ngục đã hết kiếp rồi thì giả như mong muốn được làm người mà chung sống, và khi được làm người rồi thì có tuổi thọ rất ngắn ngủi và chết yểu. Khi ở cõi người chết đi rồi, nếu được sinh làm người thì có trí nhớ rất kém, thường không nhớ nhiều, nhớ lâu, mà luôn quên mất. Do các nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Vì sao ở đời có người ghi nhớ lâu?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với các pháp thiện luôn tích tụ chứa nhóm và hay chuyển đổi, luôn gần gũi tu tập, rộng làm các hạnh thiện. Người này khi chết rồi thì được sinh vào các cõi thiện, ở trên cung Trời.

Khi đời sống ở cõi Trời đã hết, nếu muốn sinh vào cõi người để chung sống thì liền được làm người và tuổi thọ rất lâu dài. Khi ở cõi người chết rồi, thì được sinh trở lại làm người và có trí nhớ rất tốt, nhớ lâu, nhớ nhiều. Do các nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao ở đời có người bị phiền não quá sâu dày?

Đáp: Nghĩa là như có người nghĩ tưởng đến dục sân hại của họ, rồi do dục sân hại đi tìm sân hại dục mà gần gũi rèn luyện tu tạo… ở trong chỗ phiền não sâu dày mà phó mặc cho nó xoay chuyển. Do nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Vì sao ở đời có người không bị phiền não quá sâu dày?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với nghĩ tưởng xuất ly không sân, không hại, và các nhân xuất ly không sân không hại, các tầm xuất ly không sân không hại… luôn luôn gần gũi tu tập rèn luyện. Đối với các phiền não sâu dày không để nó xoay chuyển… do các nhân đó nên có việc như thế.

Hỏi: Do đâu mà ở đời có người không thành tựu nhanh chóng được hai pháp thiện thiền định và nhẫn nhục?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với các nghĩa nhất định về hành tướng của các pháp mà không khéo léo lãnh thọ tuân hành. Do các nhân đó nên không thể nhanh chóng thành tựu hai pháp thiện thiền định và nhẫn nhục.

Hỏi: Nhân đâu mà có người thành tựu nhanh chóng hai pháp thiện thiền định và nhẫn nhục?

Đáp: Nghĩa là như có người đối với nghĩa quyết định về hành tướng của các pháp mà hay khéo léo lãnh thọ tuân hành. Do các nhân đó mà thành tựu nhanh chóng hai pháp thiện thiền định và nhẫn nhục.

Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận Tụng nêu chung:

Núi Tu Di đất bằng nơi chốn,

Núi nọ có nhiều cây cỏ mọc,

Nhiều cây và rất nhiều cành lá,

Hoa quả được mùa và tốt tươi.

Hỏi: Vì sao trong tất cả núi non, thì núi chúa Tu Di lại to lớn, đẹp đẽ hơn hết?

Đáp: Khi thế giới mới thành lập thì núi Tu Di ấy có địa giới tốt hơn hết, chỗ ở đường đi tốt hơn, đẹp đẽ hơn hết, chu vi rộng hơn hết, mọi chốn hợp lại mà tạo nên núi này. Do nhân duyên này nên núi chúa Tu Di cao đẹp to lớn hơn hết.

Hỏi: Vì sao ở địa giới phương Bắc có nhiều cây cỏ nhất?

Đáp: Khi thế giới mới thành thì gió thổi vào mặt phía Bắc, nên địa giới ở đó tốt hơn hết, chỗ ở đường đi tốt hơn hết, đẹp đẽ đặc biệt hơn hết, gồm chung tất cả các nơi chốn. Thế nên ở phương Bắc có nhiều cỏ cây.

Hỏi: Vì sao ở trên mặt đất mà có chỗ thì đất cao, có nơi đất lại thấp?

Đáp: Ở trên mặt đất có một địa phương đất đai cao vọt, lại ít mưa, nếu nước rơi thấm xuống thì nó sẽ sụt xuống ở dưới thấp, nên đất ở đó thấp.

Lại ở mặt đất này có một địa phương, dưới mặt đất đó có nhiều báu vật như sắt, đồng trắng, sáp trắng chì, thiếc sáp đen và vàng bạc v.v… cùng các thứ cứng rắn khác nằm sâu trong đất. Tuy có Trời mưa xối nước xuống nhưng chỉ phá phần dưới, nên đất ở đó cao lên. Vì các nhân ấy mà trên mặt đất có những chỗ đất cao hoặc thấp.

Hỏi: Vì sao trong số núi non có loại núi cao, có loại núi thấp?

Đáp: Nghĩa là khi thế giới này mới thành lập thì có gió thổi rất mạnh làm tung đất cát rồi gom lại thành đống cao lên. Nếu gió thổi nhẹ thì gom tụ ít đất, nên thành đống nhỏ, đó là các núi thấp. Và lại các nơi có núi cao vót, gặp ít mưa và nước chảy xuống phá hủy các nơi thấp, cho nên núi ở đó thấp.

Lại có những núi ở trong đó có nhiều báu vật như sắt, đồng trắng, sáp trắng, sáp đen, vàng bạc và các thứ cứng rắn khác nằm sâu trong đất, dưới núi. Tuy Trời mưa xối nước xuống, nhưng đất ở đó không bị phá hủy nên núi đó cao. Do các nguyên nhân đó, nên các chỗ trên mặt đất có núi cao, núi thấp.

Hỏi: Vì sao có loại núi nhiều cỏ cây, có loại núi ít cỏ cây?

Đáp: Nghĩa là một loại núi ở phía dưới có long cung nên có nhiều cỏ cây rậm rạp, còn loại núi kia phía dưới không có long cung nên cỏ cây thưa thớt, ít ỏi. Lại còn có loại núi đất đai cao vót nên cỏ cây rậm rạp.

Còn có loại núi có chứa nhiều báu vật như vàng, bạc, đồng, sắt, đất đỏ, đất trắng, nằm ẩn sâu dưới núi cho nên cây cối thưa thớt ít ỏi. Lại có loại núi ở phía dưới có địa ngục, cho nên ít cỏ cây. Còn có loại núi ở phía dưới không có địa ngục, cho nên có nhiều cây cối. Do nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao lại có loại cây hình dạng to lớn, còn có loại thì không to?

Đáp: Nghĩa là có địa phương thì địa giới ấm áp, thủy giới đầy đủ, hỏa giới điều hòa, phong giới bình ổn yên tĩnh cho nên cây rất to. Còn có nơi địa phương thì có địa giới không ấm áp, nước không tăng vọt phun lên, lửa không điều hòa, và gió không bình ổn yên tĩnh, cho nên cây cối không to được. Do các nhân đó nên có sự việc như thế.

Hỏi: Vì sao có loại cây thì lá rất lớn, còn loại cây thì lá rất nhỏ?

Đáp: Nghĩa là có loại cây ở vùng đất đai ấm áp, nước nổi phun mạnh, chất nóng lửa điều hòa, sức gió bình ổn nên lá cây to. Còn loại cây kia vì đất đai không ấm áp, nước không phun mạnh, lửa không điều hòa ánh nắng, gió không bình ổn, cho nên lá cây không to. Do nhân duyên đó mà có việc như thế.

Hỏi: Do đâu mà có loại cây thì hoa của nó rất tươi tốt, còn một loại thì không có hoa?

Đáp: Có một loại cây đẹp đẽ cao vót, cho nên có bông hoa tươi tốt. Còn loại cây kia hình dạng không đẹp đẽ xinh tươi, lại không cao lớn cho nên nó không có hoa. Do các duyên đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Vì sao có loại cây thì có quả hạt, lại có loại không có quả hạt?

Đáp: Nghĩa là có loại cây vị giới mùi vị tăng mạnh đầy đủ, nên nó liền có quả hạt. Còn loại cây kia vì bản chất mùi vị không tăng mạnh, nên nó không có quả. Do nhân đó nên có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu có loài cây lại có hoa rất thơm, còn có loại thì không có hương thơm?

Đáp: Có loài hoa vốn có hình dáng tuyệt đẹp không bị lửa, sức nóng phá hỏng, cho nên nó có mùi thơm tuyệt diệu. Còn có loài hoa vốn hình dáng không đẹp, lại bị sức nóng phá hỏng, cho nên không thơm. Do nhân duyên đó mà có các việc như thế.

Hỏi: Do đâu có loại quả đầy đủ mùi vị ngon lành, còn có loại thì không có?

Đáp: Có loại quả mùi vị của nó bị sức nóng làm hỏng, nên quả không có mùi vị. Có loại quả không bị sức nóng của lửa phá hỏng, nên quả có mùi vị. Do nhân đó nên có việc như thế.

Còn các thứ bông hoa, quả, hạt, màu sắc, hương thơm, mùi vị, hoặc có hoặc không cũng thế.

Nhân thi thiết trong Đối Pháp Đại Luận.

Tụng nêu chung:

Phật Thế Tôn và chúng Thanh Văn,

Hóa nhân ăn uống bốn thứ đại,

Ẩn mất có khói lửa cháy sáng,

Rốt sau như không không biểu hiện.

Hỏi: Vì sao Đức Phật Thế Tôn lại có tài biến hóa rất giỏi. Người giả do Phật biến hóa có hình dáng đẹp đẽ, ai cũng thích nhìn, có đầy đủ tướng của bậc đại nhân, thân tướng oai nghiêm. Nếu khi Phật nói năng thì hóa nhân liền nín lặng, nếu hóa nhân nói thì Phật liền nín lặng. Hàng đệ tử Thanh Văn của Phật cũng có thể biến hóa được. Người giả được hóa ra hình dạng cũng đẹp đẽ, cạo đầu, đắp y, có hình tướng Sa Môn.

Vì sao khi người biến hóa nói năng thì hình nhân giả kia cũng nói, khi người biến hóa im lặng thì hình nhân kia cũng nín lặng?

Đáp: Vì chư Phật Thế Tôn luôn luôn trụ trong Tam ma địa, tâm luôn tự tại, khi ra khi vào đều nhanh chóng không, luôn luôn trong mọi lúc đều không buông bỏ đối tượng. Trái lại hàng Thanh Văn thì không như thế, vì không giống như Đức Thế Tôn, đầy đủ nhất thiết trí, tâm trí luôn được tự tại vì đã đến bờ giác.

Do nhân duyên đó, nên hóa nhân do Phập hóa ra có hình dáng đoan nghiêm, khi nói thì có thể yên lặng, khi yên lặng thì có thể nói. Còn hóa nhân do Thanh Văn hóa ra hình dáng cũng đoan nghiêm, đẹp đẽ, cạo đầu đắp y, nhưng hình nhân đó khi Thanh Văn nói thì nó nói, khi yên lặng thì nó cũng yên lặng, không thể tự tại được.

Có kẻ nghi ngờ hỏi: Nếu hình nhân do Phật hóa ra cũng giống như của Thanh Văn, hình nhân của Thanh Văn hóa ra cũng giống như của Phật, thì có thể nói là có đủ bốn đại hay không có?

Đáp: Có đủ bốn đại.

Hỏi: Hình nhân hóa ra đó thì nói được là do sắc tạo ra hay không phải sắc tạo?

Đáp: Nói là do sắc tạo ra.

Hỏi: Hình nhân hóa ra đó có suy nghĩ hay không?

Đáp: Có hai loại khởi lên: Một là do duyên giữ gìn. Hai là do tưởng tạo thành. Nếu do duyên trì mà khởi lên thì có suy nghĩ. Nếu do tưởng tạo thành mà khởi lên thì không có suy nghĩ.

Hỏi: Hình nhân được hóa ra đó làm sao có tâm tự tại?

Đáp: Ở đây có hai thứ khởi lên: Một là do duyên giữ gìn, hai là do tưởng mà thành. Nếu do duyên giữ gìn mà khởi lên thì hình nhân đó có tâm tự tại. Nếu do tưởng tạo thành khởi lên thì hình nhân đó tâm không tự tại.

Hỏi: Hình nhân hóa ra đó thì phần vị trung gian nói là có đủ bốn đại hay không?

Đáp: Nói có đủ bốn đại.

Hỏi: Phần vị trung gian có thể nói là do sắc tạo ra hay không?

Đáp: Nói là do sắc tạo ra.

Hỏi: Phần vị trung gian đó có suy nghĩ hay không?

Đáp: Có suy nghĩ.

Hỏi: Phần vị trung gian làm thế nào mà tâm được tự tại?

Đáp: Ấy là tùy theo tâm người biến hóa có tự tại hay không.

Hỏi: Hóa nhân đó khi ăn uống vào bụng thì làm sao tiêu hóa được?

Đáp: Có hai thứ khởi sinh: Một là do duyên duy trì, hai là do tưởng tạo thành. Nếu do duyên duy trì mà khởi lên thì ăn uống có tiêu hóa.

Còn nếu do tưởng tạo thành thì ăn uống không tiêu hóa.

Hỏi: Hóa nhân ấy khi nào thì ẩn mất?

Đáp: Có hai thứ khởi lên: Một là do duyên duy trì, hai là do tưởng tạo nên. Nếu do tưởng tạo ra mà khởi lên thì nó liền ẩn mất. Nếu do duyên duy trì khởi lên thì hoặc biến mất, hoặc không biến mất.

Hỏi: Đến khi nào thì biến mất?

Đáp: Tùy theo người biến hóa, hoặc Trời, hoặc người, hoặc A Tu La, hoặc tướng thiện, tướng ác. Nếu người hóa ra biến mất thì hóa nhân cũng biến mất.

Hỏi: Vì sao lại không biến mất?

Đáp: Trong khoảng sau cùng, dù có xa xôi cách trở cho đến khi trở về trụ vào tự tướng, thì đây là không biến mất.

Hỏi: Vì sao khi Thánh Nhân hóa ra lửa thì có khói hay không?

Đáp: Do người biến hóa tâm luôn được tự tại nên tùy vật người ấy hóa ra liền có khói. Do nhân đó mà có việc như thế.

Hỏi: Vì sao khi hóa lửa, lửa có cháy sáng hay không?

Đáp: Do người biến hóa có tâm luôn tự tại nên tùy theo vật hóa ra, lửa sẽ cháy sáng lên. Do các nhân đó, nên có việc như thế.

Hỏi: Vì sao khi hóa ra lửa thì chỉ đốt cháy thân mình và trang phục của mình, chứ không đốt cháy người khác và vật khác?

Đáp: Tùy người biến hóa, vì tâm của người này tự tại và theo ý mong ước, chỉ đốt cháy thân mình và trang phục của mình. Do nhân đó nên có việc như thế.

***