Chuùng ta hoïc Phaät phaûi laáy thaønh toái Chaùnh Giaùc
Laøm muïc tieâu hoïc taäp

kinhphatthuyet.vn

LUẬN QUẢNG THÍCH BỒ ĐỀ TÂM - PHẦN BỐN

LUẬN QUẢNG THÍCH BỒ ĐỀ TÂM

Giảng giải: Bồ Tát Liên Hoa Giới

Hán dịch: Đại Sư Thị Hộ, Đời Triệu Tống
 

PHẦN BỐN
 

Như Kinh Lăng Già nói: Này Đại Tuệ! Người Thanh Văn kia khởi lên nhân sai khác và có những trú trước, thấy pháp rồi lấy làm Niết Bàn tự nói là được thành Phật, không thể thấy pháp theo lý vô ngã.

Này Đại Tuệ! Đây không phải là giải thoát. Như vậy người Thanh Văn với trí tuệ tự họ chứng được chưa phải thực sự xuất ly mà nói là được xuất ly. Vì tuy thấy chuyển đổi khác nhau nhưng những việc làm kia chẳng tương ưng với điều này, sự hành đạo của họ không phải là giải thoát thực sự.

Thế Tôn chỉ thuyết về pháp Nhất Thừa, không thuyết về đạo lý của hàng Thanh Văn. Người hàng Thanh Văn kia chỉ ở trong uẩn quán sát vô ngã, mà những gì đạt được họ nói là con người vô ngã. Trong điều này không phải vậy, nên quán sát ba cõi tất cả chỉ do thức.

Nếu như nói ngoài thức có nghĩa vô ngã đạt được, như vậy chính là đối với trí vô nhị ở trong vô ngã, mà không thể đi vào được, vì dùng tha tánh để có thể đi vào. Nếu như tha tánh có thể đi vào, thì lúc ấy chính là không phải đi vào tánh duy thức.

Lại như trong phẩm Thánh Xuất Thế của Kinh này nói: Lại nữa, Phật Tử nên biết, ba cõi chỉ do tâm, hiện rõ ra là tâm, cũng không có phần giữa các biên hạn có thể đạt được.

Nếu nói có giới hạn hữu biên thì có những đối tượng được phát sanh, nếu nói có phần giữa thì có những tồn tại, tất cả đều là tướng của phân biệt. Nếu như tâm không có phần giữa, thì vì thế có thể đi vào trí không hai ấy vô nhị trí, đi vào như vậy chính là đi vào chân thật.

Trong này có hỏi: Nếu như vậy thì các phần vị tương ưng sẽ sanh khởi như thế nào?

Đáp: Căn cứ vào nguyện lực thù thắng và thanh tịnh ấy, Bồ Tát phát khởi đại bi, vì tất cả chúng sanh làm công việc lợi ích, thuận theo nguyện lực ấy, sanh ra các hạnh thiện rõ ràng thù thắng tối thượng như bố thí… đó chính là chân thật thanh tịnh đã phát sanh.

Vả lại, Bồ Tát vì đại bi, nếu tất cả chúng sanh chưa có thể vào hết trong trí thanh tịnh và các pháp vô tánh, thì Bồ Tát thậm chí thuận theo đi vào luân hồi, cũng không bị sai lầm trong luân hồi làm cho ô nhiễm, lẽ nào lại trú vào trong pháp tịch tĩnh không phát khởi tỏ ngộ kia sao?

Như tụng trong Kinh nói: Thấy trong chỗ không có đối ngại, trí vô ngã tuyệt vời bậc nhất.

Vì vậy nếu như vào trong cảnh giới không có hai tướng giảng giải không có hai lời, thật là tuyệt vời bậc nhất, chính là vui với ý tốt đẹp thực sự trong thắng nghĩa đế. Ở trong trí không có hai không có đối đãi ngăn ngại, chung quy là vô ngã không có tự tánh, thì nhất định tương ưng với những cái thấy. Tất cả cái thấy ấy thấy không có sai khác, tất cả không có phân biệt và không có phát khởi ngộ ra, tất cả đều vắng lặng.

Lại hỏi: Nếu như vậy làm sao có thể khởi lên các tương ưng hành?

Đáp: Không phải thế. Nếu như có thấy điều ấy thực sự, nhưng không thể tùy thuận với thắng nghĩa.

Tại sao?

Do trong này không có chi phối và tự tại tương ưng với tướng, nhưng sao có thấy?

Chỉ vì trong pháp thế tục tùy thuận với tướng nơi cảnh giới của các sắc. Nếu như trí sanh khởi, thì thức cũng tùy thuận với những hành tướng thế gian. Vì vậy nên biết trí bên này bên kia, trong trí sâu xa có thể là có những cái thấy, mà lại không phải là thật sự có các tướng chi phối.

Nếu như lúc trí sanh khởi hiểu được tất cả như thật không có hai, không có đối đãi ngăn ngại, mới có thể ở trong trí này đạt được cái thấy như thật, không phải nói là tất cả các pháp ở trong thắng nghĩa đế không có tự tánh mà quyết định tương ưng với thế tục đế. Nếu khác với ý chỉ này, thì đó là trí hẹp hòi nhỏ bé của các chúng sanh.

Như Kinh Thánh Nhị Đế nói: Trong thắng nghĩa đế suy cho cùng là vô tánh, trong thế tục đạo thuận theo cũng quán sát như vậy.

Nếu như khác với điều này, thì các phần vị của phàm phu chúng sanh Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật, sẽ tồn tại ra sao?

Nói là thế tục không có nhân, thế tục không sanh khởi. Trước mắt điều này không phải như vậy, vì trong thế tục đạo thuận theo quán sát như vậy, đối với thắng nghĩa đế thật sự không có sanh khởi.

Trong thắng nghĩa đế nếu như có gì đạt được thì giống như là lông rùa sừng thỏ, vì các pháp thế tục như huyền ảo như hình bóng và như tiếng vang… Do như vậy, nên thế tục duyên sanh cùng với thắng nghĩa đế, tánh của vật trong này không phải là không hòa hợp, quán sát tư duy xét kỹ điều ấy không có tánh đổi thay sai khác.

Như vậy trong này, nên biết thế gian tất cả đều như huyễn hóa, các phiền não nghiệp chính là nhân tố huyễn ảo, các chúng sanh sanh ra tức là sự thay đổi huyễn ảo, tất cả các hành phước trí tương ưng cũng là nhân tố huyễn ảo. Như vậy trí tương ưng tức là sự chuyển đổi ở trong huyễn ảo.

Như Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa nói:

Này Tu Bồ Đề! Hết thảy Thanh Văn như hóa Duyên Giác như hóa, Bồ Tát như hóa Như Lai như hóa, phiền não như hóa nghiệp cũng như hóa.

Này Tu Bồ Đề! Vì duyên này cho nên tất cả các pháp như hóa. Như vậy các hành sai biệt và các chúng sanh này, đều là tướng như huyễn.

Ở trong huyễn ấy như những gì đã biết rõ, đều là sự chấp giữ giả dối. Nếu có thể biết như vậy, thì chính là tương ưng với điều ấy. Nếu như cho là thật, thì chính là chúng sanh phàm phu ngu muội. Như vậy đã nói hoàn toàn không trái ngược nhau.

Như tụng trong Kinh Thánh Pháp Tập nói:

Công việc đã làm giống như huyễn

Thuận theo chuyển hóa được giải thoát

Điều này biết rõ ràng như trước

Chẳng có vướng mắc trong chuyển hóa.

Nói là ba cõi như huyễn hóa

Chư Phật, Bồ Tát đều biết rõ

Biết rồi khoác áo giáp tốt đẹp

Làm việc lợi ích cho thế gian.

Trong các đối tượng hành thuộc loại như vậy, thuận theo quán sát thật tánh, như trước đã nói ở trong Xa Ma Tha Định Chỉ, nếu như lúc dấy lên các tâm ý nặng nề hẳn xuống hay bốc lên quá đáng, nên quán sát tất cả các pháp hoàn toàn không có tự tánh.

Bấy giờ, phải xa rời ý dấy lên cao thấp để trí có thể thành tựu. Xa Ma Tha Chỉ và Tỳ Bát Xá Na Quán ấy tương ưng hành là đạo của những công hạnh thực hành, tức là phải đầy đủ, cho đến có thể phát khởi các năng lực tín giải, trú vào địa vị giải hành, quán sát về sau lúc tâm ý dục dấy lên vẫn trở lại tư duy, trong thắng nghĩa đế không có tự tánh, thế tục đế kia cũng an trú như vậy.

Như Kinh Bảo Vân nói: Bồ Tát làm sao đạt được lý vô ngã?

Này người thiện nam! Bồ Tát nên dùng chánh trí quán sát sắc thọ tưởng hành thức, lúc quán sát ấy thì sắc sanh ra không thể đạt được, tập không thể đạt được, diệt không thể đạt được, các thọ, tưởng, hành, thức hoặc sanh, hoặc tập, hoặc diệt đều không thể đạt được.

Trong thắng nghĩa đế ấy biết rõ hành vô sanh rồi, dấy lên tuệ quán sát, không trở lại những gì được thực hành mà có sự chấp giữ. Do vậy người ngu si vô trí, ở trong không có tự tánh như vậy, chấp là có tánh, chấp giữ điên đảo, vì vậy mà sanh tử theo nhau không bao giờ chấm dứt, hiện tại nhận chịu bao nỗi khổ đau không có hạn kỳ dừng lại.

Bồ Tát thường khởi lòng đại bi như vậy, không ngừng suy nghĩ đến những việc làm hiện tại trước mắt, xót thương vì làm lợi ích mà phát ra nguyện hạnh cao cả, như những gì mình đã thực hành tùy đó đạt được nhất thiết trí, đối với pháp tánh này giác ngộ rõ như thật, sau đó hướng về hết thảy Chư Phật và Bồ Tát hết lòng cúng dường xưng tán. Những việc làm thành tựu rồi, từ kho tàng đại bi rộng lớn, phát sanh tất cả phước hạnh bố thí bình đẳng.

Như Kinh Thánh Pháp Tập nói: Nếu các Bồ Tát như thật biểu hiện rõ ràng điều ấy, nghĩa là ở giữa tất cả chúng sanh dùng đại bi chuyển hóa, mình vui với Tam Ma Địa này, trong tất cả các pháp biểu hiện rõ, tất cả chúng sanh làm cho được thành tựu.

Lúc đã khai phát lòng đại bi này, tức thì đạt được giới định tuệ tăng thượng, các sự học được viên mãn, thành tựu quả vị Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng.

Trong này nên biết, tuệ và phương tiện là thắng đạo tương ưng với chốn hành của các Bồ Tát, không đoạn mất thế tục đế, biểu hiện rõ thắng nghĩa đế. Nếu như không đoạn mất thế tục thì luôn dùng đại bi để làm người dẫn đường, cố gắng làm việc lợi ích cho chúng sanh, rời xa mọi điên đảo, đó chính là gọi năng lực khéo xây dựng tuệ xuất thế gian.

Từ đây mới trở thành phương tiện thuận theo thực hành, trong lúc thực hành các phương tiện, hiểu rõ tướng như huyễn cũng không điên đảo, dùng trí xuất thế gian, phương tiện tốt đẹp nhất cố gắng tu như như, có thể ở trong văn từ nghĩa lý chân thật, làm cho ý dũng mãnh sanh ra tuệ thù thắng. Bồ Tát đạt được tuệ và phương tiện này rồi, mới trú trong thắng đạo thực hành công hạnh tương ưng.

Như Kinh Vô Tận Ý nói: Thiền định vô tận có thể sanh ra tuệ và phương tiện, sự ra đời của điều ấy nên biết chính là tương ưng hành, ấy là thắng đạo đã thực hành.

ất cả tà vọng phân biệt ngang ngược… sao có thể trừ hết?

Vả lại trong này làm sao có thể xa rời chủng tử nghi hoặc được?

Điều ấy có nghĩa là ở trong tương ưng định, dùng tuệ nhãn quán sát chủng tử ấy là không. Như trước đã nói, ở trong các sắc nếu như có tướng đã đạt được mà trở thành có được nó thì suy cho cùng không đạt được gì. Giống như người mê muội thấy sợi dây nói là con rắn, trí hiểu rõ không có khác, trong sắc xa rời nghi ngờ thì nghĩa đó cũng như vậy.

Dùng tuệ nhãn quán sát các cảnh đều là chấp trước tà vọng không thật, như người ở trong nhà tối lại còn che kín, chỉ toàn một màn đen mờ mịt không trông thấy cái gì. Lại như trong các đồ dùng như bình lọ chứa đầy các vật khác, vì đậy kín cho nên cũng không trông thấy vật gì.

Ý trong này nói: Những nhà tối đen này tuy không trông thấy gì, nhưng sự nghi hoặc các sắc loại có tánh… bám chặt lấy không thể nào xa rời được. Do không xa rời nên nơi ấy tuy không trông thấy gì nhưng không đoạn dứt được sai lầm.

Những người như vậy với các tâm ý chấp giữ rốt cuộc làm sao có thể đoạn trừ được?

Vì thế nên dùng Tam Ma Địa, tay nắm thanh gươm trí tuệ rất vi diệu và sắc bén, chặt đứt tư duy về các sắc, thì chủng tử phân biệt tà vọng, được đoạn trừ chân thật như vậy.

Ví như nhổ cây ngay cả rễ cũng trừ bỏ hết, đất đã không có rễ thì không thể tiếp tục sanh trưởng, chủng tử tư duy tà vọng đã được đoạn dứt rồi, thì tất cả mọi sai lầm hoàn toàn không nảy sanh trở lại. Như vậy trong này, nghĩa đoạn trừ các chướng ngại là pháp môn tương ưng với Xa Ma Tha và Tỳ Bát Xá Na Chỉ và Quán, chính là đạo lý phải thực hành của người tu hành.

Như Đức Thế Tôn dạy: Pháp môn tương ưng này là tánh của nhân thành tựu chánh trí, vô phân biệt.

Cho nên tụng trong Kinh nói: Trước tiên an trú giới, tiếp theo đạt được định, đạt được định ấy rồi, tuệ hướng về tu tập. Thanh tịnh và sáng ngời, trí tuệ được thành tựu, trí thanh tịnh trước tiên, nhờ vào giới đầy đủ.

Lại nữa, trong này, như Kinh Bảo Vân nói: Bồ Tát làm sao đạt được pháp Đại Thừa?

Nghĩa là nếu như Bồ Tát cố gắng học hỏi tất cả các pháp, họ tuy là có học hỏi nhưng vào lúc học và pháp đã học hoàn toàn không thể đạt được. Tuy ở trong cái học quyết định không có đạt được, cũng không ở trong pháp nhân duyên kia mà dấy lên cái thấy đoạn dứt đoạn kiến.

Như Kinh Thánh Pháp Tập nói: Sao nói là đối tượng hành của các Bồ Tát?

Nghĩa là nếu như Bồ Tát ở trong các đối tượng hành từ thân, ngữ và ý, luôn luôn không bỏ rơi tất cả chúng sanh, nội tâm phát khởi đại bi tăng thượng, vì muốn làm lợi lạc cho các chúng sanh, theo đó dấy lên suy nghĩ: Nếu công hạnh hiện tại và công hạnh đã thực hành của mình, toàn bộ tặng cho tất cả chúng sanh, thực hiện lợi ích an lạc to lớn.

Bồ Tát tuy quán xét các uẩn như huyễn, cũng không ở trong đó mà sanh ra chán bỏ, tất cả đối tượng hành hoàn toàn không có chướng ngại. Xứ như trụ trống rỗng, cũng không thể ở trong đó mà sanh ra chán bỏ, tất cả đối tượng hành đều không có chướng ngại.

Giới giống như rắn độc, cũng không ở trong đó sanh ra chán bỏ, tất cả đối tượng hành hoàn toàn không có chướng ngại. Hơn nữa, tuy quán sắc giống như bọt nước tụ lại, cũng không rời bỏ sắc thân tướng hảo của Như Lai.

Thọ giống như bong bóng nước trôi nổi, cũng không ở trong các thiền định Tam Ma Địa, Tam Ma Bát Để của Như Lai sanh ra niềm vui tuyệt vời mà không thành lập phương tiện. Tưởng giống như dợn nắng, sóng nắng, cũng không ở trong các trí của Như Lai mà không khởi lên ý tưởng tốt đẹp. Hành giống như thân cây chuối, cũng không ở trong tất cả pháp hành của Phật làm người dẫn đường mà không thực hành điều gì.

Thức giống như người có pháp thuật huyễn ảo, cũng không ở trong trí ba nghiệp làm người dẫn đường của Như Lai mà không thực hành điều gì. Như vậy tất cả các đối tượng hành, hoàn toàn không có chướng ngại.

Vả lại, các Kinh đều nói: Nên biết tuệ và phương tiện, là những công hạnh đang thực hành của các Bồ Tát. Vì vật các vị Bồ Tát ở trong vô số tất cả các hạnh kia, luôn luôn đã phát khởi tuệ và phương tiện, quán tưởng tu tập thực hiện qua thời gian dài không gián đoạn.

Như vậy chính là đạt được mười hai phần vị, các địa vị này được an lập rồi, trong từng địa vị ấy công đức được tăng lên thảy đều đầy đủ. Đã nói là mười hai phần vị ấy, đó là từ địa Tín giải hành cho đến Phật địa. Trong những địa này chỉ ngoại trừ Phật địa, những địa còn lại đều là phàm phu và Bồ Tát gồm thâu.

Địa Tín giải hành trong này, chưa có thể chứng được hai lý vô ngã, luôn luôn phát khởi tín giải kiên cố, quân ma không thể lay động được. Năng lực tín giải ấy cũng chưa có thể quán thật tánh duy thức, nhưng ở trong pháp tín giải kiên cố, thành lập địa giải hành. Lại trong các địa, tùy theo mỗi địa đều có vô số các công đức thuộc loại Tam Ma Địa Tổng trì giải thoát thần thông…

Như Kinh Bảo Vân nói: An lập bốn loại thuận theo phần quyết trạch mà bốn địa vị ấy có phát ra ánh sáng trí tuệ bậc thượng, bậc trung và bậc hạ. Bốn địa vị này đều quán các pháp vô ngã, trong này nếu như có phát sanh ánh sáng trí tuệ thuộc phẩm thấp, thì đây là noãn vị.

Phần vị ấy đã chứng định tên gọi là minh đắc. Nếu có phát sanh ánh sáng trí tuệ thuộc phẩm trung, thì đây là đảnh vị. Địa vị ấy đã chứng định tên gọi là minh tăng. Nếu có phát sanh ánh sáng trí tuệ tối thượng không có đối đãi ngăn ngại nào khác, đối với phần vị của tâm xa rời tướng chủ thể thủ, thì đây là nhẫn vị. Địa vị ấy chứng được định gọi là Nhất phần nhập.

Nếu ở trong tướng chủ thể thủ và đối tượng thủ biết không có đạt được, vì trí không có hai, do đó quyết định phù hợp hai tướng thủ kia là không, thì đây là vị thế đệ nhất. Địa vị ấy chứng được định tên gọi là vô gián, từ vô gián này đi vào tánh duy thức. Trong này, nói tóm lại, những giải thích như vậy, đều là địa tín giải hành đã thâu tóm.

Hơn nữa, Thập Địa chính là mười phần vị. Địa thứ nhất là người thuận theo thế đệ nhất pháp trước đây không gián đoạn, sơ tâm được vào vị kiến đạo, đã đạt được Thánh tánh phát sanh đại hoan hỷ, vì thế địa này gọi là địa hoan hỷ.

Địa này có thể phần chứng hai lý vô ngã, được phát sanh trí tuệ chân thật về pháp vô tánh, tất cả mọi sự phân biệt hý luận đều xa rời. Ở đây có thể đoạn trừ một trăm mười hai hoặc do kiến đạo đoạn, ngoài ra, tu đạo đoạn ba cõi tất cả có mười sáu hoặc, như thích ứng mà đoạn.

Địa này Bồ Tát đạt được trí bình đẳng, tự lợi và lợi tha, đối với bố thí Ba La Mật Đa được viên mãn, an trú trong Tam Ma Địa, cho đến chưa có thể xa lìa cấu nhiễm hủy phạm vi tế. Nếu như có thể đạt phần chứng đắc thì tiến tiếp vào vị trí địa thứ hai.

Địa thứ hai có thể xa rời tất cả mọi cấu nhiễm và phạm giới, vì thế địa này gọi là địa Ly Cấu. Ở địa ấy Bồ Tát có thể đích thực xa lìa mọi cấu nhiễm do phạm giới rất vi tế, đối với trì giới Ba La Mật Đa sẽ được viên mãn, thậm chí chưa có thể thành tựu được Tam Ma Địa Tam Ma Bát Để thù thắng cho đến văn tổng trì. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì được tiến tiếp vào vị trí địa thứ ba.

Địa thứ ba có thể phát ra vô lượng ánh sáng trí tuệ thù thắng, vì vậy địa này gọi là địa Phát Quang. Ở địa này, Bồ Tát thu được tất cả mọi Tam Ma Địa và văn tổng trì, nhẫn chịu mọi khổ đau, đối với nhẫn nhục Ba La Mật Đa được viên mãn, ở trong tất cả Tam Ma Bát Để xả bỏ tâm ái, cho đến chưa có thể tu tập nhiều về phần pháp Bồ Đề. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì tiếp tục tiến vào vị trí địa thứ tư.

Địa thứ tư là ngọn lửa trí tuệ của phần pháp Bồ Đề, có thể đốt cháy mọi thứ củi phiền não, vì thế địa này có tên gọi là địa Diệm Tuệ. Ở địa này Bồ Tát đã xa rời và giảm bớt sự phân biệt của ngữ ý, cố gắng tu tập phần pháp Bồ Đề không thiếu sót, do tinh tấn Ba La Mật Đa được viên mãn, cho đến chưa có thể thực hiện quán bốn đế. Nếu như có thể đạt phần chứng đắc thì tiến tiếp vào vị trí địa thứ năm.

Địa thứ năm, đối với sanh tử và Niết Bàn, dùng phương tiện khéo léo quán sát bình đẳng, do tu tập thù thắng vượt qua những nạn khó nhất, vì thế địa này có tên gọi là địa Nan Thắng. Ở địa này Bồ Tát từ trong Bốn Thánh Đế có thể khéo léo quán sát thực hiện nhiều sự tu tập.

Vì thiền định Ba La Mật Đa được viên mãn, từ trong thuận theo phần quyết trạch vượt ra đến trong địa này, mới đạt được hành về vô tướng, cho đến chưa có thể thực hiện quán duyên sanh. Nếu có thể đạt phần chứng đắc thì tiến vào vị trí địa thứ sáu.

***