Chuùng ta hoïc Phaät phaûi laáy thaønh toái Chaùnh Giaùc
Laøm muïc tieâu hoïc taäp

kinhphatthuyet.vn

BÀI TỤNG VỀ NHÂN DUYÊN TÂM GIẢI THÍCH LUẬN

BÀI TỤNG VỀ NHÂN DUYÊN

TÂM GIẢI THÍCH LUẬN

Giảng giải: Bồ Tát Mãnh Long
 

Mười hai chi sai biệt,

Năng Nhân nói duyên sinh.

Một, tám, chín: phiền não,

Hai và mười là nghiệp.

Bảy tập khác là khổ,

Mười hai chỉ thuộc ba.

Từ ba sinh ra hai,

Từ hai sinh ra bảy.

Bảy sinh lại nơi ba,

Vòng hữu này thường chuyển.

Mọi thú do nhân quả,

Trong đây không chúng sinh.

Từ ở nơi pháp không,

Lại sinh về pháp không.

Như tụng, đèn, gương, ấn,

Lửa, tinh và mơ, tiếng.

Các uẩn kết nối nhau,

Không rời, trí nên xét.

Với sự rất vi tế,

Còn tà kiến: thường, đoạn,

Nhân duyên bất thiện kia,

Chưa thấy nghĩa duyên sinh.

Trong đây không thể trừ,

Cũng không an lập được.

Dùng chân để quán chân,

Thấy chân được giải thoát.
 

MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
 

1. Vô minh.

2. Hành phiền não, ba chi: vô minh, ái, thủ...

3. Thức.

4. Danh sắc.

5. Lục nhập.

6. Xúc nghiệp, hai chi: hành, hữu...

7. Thụ.

8. Ái.

9. Thủ khổ, bảy chi: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, sinh, Lão Tử...

10. Hữu.

11. Sinh.

12. Lão Tử.
 

GIẢI THÍCH LUẬN NHÂN DUYÊN TÂM
 

Nơi đây có vị Sa Môn ham nghe, nhớ kỹ, hiểu thấu, biết quán sát và biết tóm gọn những nghĩa chính yếu.

Một hôm, vị ấy lại nơi vị Đại Sư, y trong giáo pháp của Như Lai, đặt ra câu hỏi: Đức Thế Tôn có nói về mười hai chi nhân duyên sai biệt nhau và bậc Năng Nhân cũng nói về duyên sinh, vậy mười hai chi kia, chúng nhiếp thuộc vào đâu?

Nay tôi muốn được nghe về ý nghĩa ấy, xin Đại Sư giải thích cho.

Biết vị kia hỏi đúng chân nghĩa của Phật, vị Đại Sư liền gọi vị Sa Môn kia lại mà bảo rằng: Đối với lời ông hỏi, trong ba thứ: Phiền não, nghiệp và khổ, thu nhiếp hết cả mười hai chi. Trong sách có nói về sự phân biệt của mười hai nhân duyên hay mười hai chi.

Trong ấy có mười chi và hai chi, nên gọi là mười hai chi. Vì chúng có sự sai biệt nên gọi là sai biệt. Như bộ phận của xe có nhiều bộ phận khác nhau, nên gọi là chi.

Thường giữ thân, khẩu tịch lặng, nên gọi là Năng Nhân. Nói về Năng Nhân thuyết, tức là chỉ về vị tuyên sướng và giải thích giáo nghĩa ấy. Song, đây chỉ là cái tên khác của sự nói, chẳng phải là tự tính, quyết định là sĩ phu.

Nương chân tướng tự tại, thời cơ, tự nhiên theo với nhân duyên mong muốn. Mong muốn gặp vị Hóa chủ, nhân duyên gặp gỡ sẽ phát sinh. Đó là nhân duyên sở sinh.

Trong mười hai chi pháp sai biệt này, phiền não, nghiệp và khổ, chúng nương tựa lẫn nhau, như bó cây lau, ba loại kia, đều thu nhiếp hết trong ấy. Nói về chữ tận hết, có nghĩa là không còn gì bên ngoài nữa.

Hỏi: Phiền não là gì?

Nghiệp là gì?

Khổ là gì?

Những pháp sai biệt này sẽ nhiếp thuộc vào đâu?

Đáp: Chi phiền não bắt đầu hay là chi số một, cùng với chi số tám, chi số chín, đối với sự sai biệt trong mười hai chi pháp, thì chi pháp bắt đầu chi số một là vô minh, chi số tám là ái, chi số chín là thủ. Ba chi ấy nhiếp thuộc vào phiền não.

Nghiệp là gì?

Chi số hai và chi số mười là nghiệp. Chi số hai là hành, chi số mười là hữu. Hai chi pháp này nhiếp thuộc vào nghiệp. Còn bảy chi pháp khác đều nhiếp thuộc vào khổ. Nghĩa là, ngoài những chi pháp nhiếp thuộc vào phiền não, vào nghiệp rồi, còn bảy chi pháp khác đều nhiếp thuộc vào khổ.

Đó là: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, sinh, lão tử.

Nói chữ đều là lời nói bao gồm tổng quát, trong đó bao nhiếp tất cả: Ái biệt ly khổ, oán tăng hội khổ và cầu bất đắc khổ. Cho nên, trong mười hai chi pháp này, phiền não, nghiệp và khổ, đều thu nhiếp hết. Nói về chữ duy chỉ thuộc, nó có nghĩa hạn chế. Các chi pháp trong Kinh nói, chỉ trong ba loại này thu nhiếp hết, không còn sót chi pháp nào.

Hỏi: Các nghĩa trên đây tôi đã hiểu, còn sự tương sinh của phiền não, nghiệp và khổ như thế nào?

Xin Đại Sư giải thuyết cho.

Đáp: Từ ba sinh ra hai, có nghĩa là từ ba phiền não sinh ra hai nghiệp. Từ hai sinh ra bảy, có nghĩa là từ nơi hai nghiệp sinh ra bảy chi pháp của khổ, như đã dẫn ở trên.

Bảy sinh trở lại nơi ba, có nghĩa là các phiền não lại từ ba phiền não sinh ra, rồi sinh ra hai nghiệp v.v... vòng hữu này thường chuyển, có nghĩa là: Hữu hữu lậu có ba loại là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.

Nhân duyên trong ba hữu này, chúng lưu chuyển không ngừng. Do lưu chuyển, chúng trở thành những chúng sinh khác nhau, rồi tự chúng lại lưu lãng. Trong câu này có chữ thử này, nó hiển bày cho nghĩa bất định, không phải hiển bày cho nghĩa luân chuyển, vì trong ấy, chúng lần lượt sinh ra các hữu. Đó là nghĩa bất định.

Hỏi: Vậy, thân tự tại của chúng sinh là gì?

Tác dụng của chúng như thế nào?

Đáp: Các thú cõi chỉ do nhân quả, chỉ trừ các sự giả danh. Trong này không có chúng sinh. Đó là thực nghĩa. Không phải giả lập mà có. Cảnh tướng giả lập, không thành vật thực.

Hỏi: Nếu như thế, cái gì chuyển từ đời này đến đời khác?

Đáp: Không có những pháp cực vi nào chuyển từ đời này đến đời khác. Tuy nhiên, từ nơi pháp không, lại trở lại nơi pháp không. 

Từ nơi vô ngã, ngã sở, phiền não, nghiệp, năm loại không nhân lại sinh không vô ngã, ngã sở, và bảy loại khổ quả của Pháp Sự vật cũng vô ngã, ngã sở. Tuy nhiên, từ nơi tự tính vô ngã của pháp, lại sinh ra tự tính vô ngã của pháp. Ông nên biết như thế và nên nói như thế.

Hỏi: Từ nơi tự tính vô ngã của pháp lại sinh ra tự tính vô ngã của pháp, có gì làm thí dụ?

Đáp: Như tụng, đèn, gương, ấn, lửa, tinh và mơ trái mơ, tiếng. Đó là những thí dụ. Giả dụ, lập thành tự tính vô ngã và thành tựu các pháp thế gian, thì cũng nên biết chúng đều như thế.

Ví như ông thày tụng một bài nào đó, nếu chuyển đến đệ tử tụng, thì sau lời tụng của ông thày, không còn lời tụng của ông thày ấy nữa.

Thế nên, lời tụng của ông thày không nhập với lời tụng của người đệ tử kia. Nhưng, nó cũng không phải từ chỗ khác mà có lời tụng ấy. Vì nó không có nhân quả.

Như lời mà ông thày tụng, tới khi tâm thức không còn tác động nữa, thời nó cũng lại như thế. Vì nó xong rồi thường qua đi, không ảnh hưởng đến đời khác. Và, đời khác kia cũng không từ đâu mà có được.

Vì nó không có nhân quả. Như lời ông thày tụng cùng đệ tử tụng, bài tụng ấy, tức là lời ông thày kia, nhưng khác với lời ông thày kia. Thực, không thể đặt để nó một cách dễ dàng được.

Y vào sự việc khi tâm thức không còn tác động trong lời tụng của ông thày kia mà phân biệt, thì sinh ra sự chia xẻ tâm thức. Sự sinh ra ấy cũng lại như thế. Nghĩa là, tức là cái kia, nhưng lại khác cái kia, không thể đặt để nó một cách dễ dàng được.

Như thế, từ đèn sinh ra ánh đèn, và nương vào đó mà thành ảnh tượng. Từ gương hiện ra các ảnh tượng. Từ các dấu ấn mà thành chữ. Từ tinh chủng của khí có ra lửa.

Từ hạt giống sinh ra mầm. Từ trái mơ tiết ra nước miếng. Từ tiếng sinh ra âm vang của tiếng. Có nghĩa là, sự vật tức là nó mà khác nó, không thể đặt để nó một cách dễ dàng được.

Các uẩn kết nối nhau, không rời, trí nên xét, uẩn tức là năm uẩn: Sắc, thụ, tưởng, hành và thức. Kết nối nhau, có nghĩa là nó từ nhân nào đó mà sinh ra cái khác. Không có những pháp cực vi nào, từ ở nơi đời này di chuyển đến đời khác.

Cho nên, lưu chuyển là do từ nơi tập khí hư vọng phân biệt sinh ra. Phần sau câu này có chữ ưng là nên, có nghĩa là nên quán sát ngược lại, để biết rõ thực chất các pháp ra sao. Quán sát các pháp, thấy chúng thuộc vô thường, khổ, không, vô ngã.

Quán sát được như vậy, đối với các sự việc không bị mê lầm. Không mê lầm thời không có tham. Không có tham thời sân không sinh ra. Không có sân thời không có nghiệp.

Không có nghiệp thời không có thủ. Không có thủ thời không tạo ra cái hữu sau này. Không có hữu thời không có sinh. Không có sinh thời những đau khổ nơi thân tâm không phát sinh.

Như thế, đối với các chi phần khác, không kết tập năm loại nhân, thời quả khổ không sinh. Quả khổ không sinh, đó là quả giải thoát. Cho nên, cần phải dứt trừ tất cả, dứt trừ cả những ác kiến về đoạn, thường v.v...

Đoạn giải thích trên, thuộc trong hai bài tụng sau này:

Với sự rất vi tế,

Còn tà kiến: thường, đoạn.

Nhân duyên bất thiện kia,

Chưa thấy nghĩa duyên sinh.

Trong đây không thể trừ,

Cũng không an lập được.

Dùng chân để quán chân,

Thấy chân được giải thoát.

***