Chuùng ta hoïc Phaät phaûi laáy thaønh toái Chaùnh Giaùc
Laøm muïc tieâu hoïc taäp

kinhphatthuyet.vn

BÁCH LUẬN - PHẨM CHÍN - PHÁ THƯỜNG

BÁCH LUẬN

Giảng giải: Bồ Tát Đề Bà

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM CHÍN

PHÁ THƯỜNG
 

Ngoại viết: Nên có các pháp, vì pháp không nhân, pháp thường không phá. Ông tuy phá pháp có nhân, không phá pháp thường, không nhân, như hư không thời, phương vi trần, Niết Bàn, là pháp không nhân, không phá, nên phải có các pháp.

Nội viết: Nếu mạnh là vì thường, đồng với vô thường.

Vì có nhân nên ông nói thường hay vì không nhân nên nói thường?

Nếu pháp thường có nhân, có nhân thì không thường. Nếu không nhân nói thường thì cũng có thể nói vô thường.

Ngoại viết: Vì là liễu nhân nên không lỗi.

Có hai loại nhân: Một là tác nhân, hai là liễu nhân. Nếu dùng tác nhân thì đó là vô thường. Ngã, hư không… là pháp thường, vì dùng liễu nhân nên nói thường, chẳng phải vì không nhân nên nói thường, cũng chẳng phải vì có nhân nên nói vô thường, cho nên chẳng phải mạnh là thường.

Nội viết: Nhân này không đúng. Ông tuy nói pháp thường có nhân thì nhân này không đúng. Trước đã phá chấp về thần, pháp thường khác sau sẽ phá.

Ngoại viết: Phải có pháp thường vì pháp tác vô thường, nên pháp không tác là thường. Mắt thấy các vật như bình là vô thường, nếu khác thì pháp này phải là thường.

Nội viết: Không cũng cùng với có. Ông dùng pháp tác vì trái ngược nhau nên gọi là pháp không tác. Nay vì thấy trong pháp tác có tướng nên phải không có pháp không tác.

Lại nữa, ông vì pháp tác trái nhau nên cho pháp không tác là thường, nghĩa là hôm nay và pháp tác vì không trái nhau nên phải là vô thường.

Vì sao?

Vì pháp không tác và pháp tác đồng với vô xúc nên pháp không tác phải là vô thường. Biến thường và bất biến thường như vậy đều đã phá chung, nay sẽ phá riêng.

Ngoại viết: Nhất định có pháp hư không, thường cũng hiện bày khắp cũng không phần, vì tin có tất cả xứ, tất cả thời. Người đời tin tất cả xứ có hư không, cho nên tin khắp tất cả thời quá khứ, vị lai, hiện tại có hư không, cho nên thường.

Nội viết: Vì trong phần hợp với phần nên phần không khác.

Nếu trong bình hướng vào trong hư không, thì hư không ở trong ấy đều là có hay là phần có chăng?

Nếu đều là có thì không hiện bày khắp, nếu là hiện bày khắp thì bình cũng phải hiện bày khắp. Nếu phần có thì hư không chỉ là phần không có, phần có gọi là hư không. Cho nên hư không chẳng phải hiện bày khắp, cũng chẳng phải thường.

Ngoại viết: Nhất định có hư không. Tướng hiện bày khắp cũng là thường, vì có tạo tác. Nếu không có hư không thì không cất lên, không hạ xuống, không khứ, lai.

Vì sao?

Vì không chỗ dung chứa. Nay thật có chỗ tạo tác, do đó có hư không, cũng hiện bày khắp, cũng là thường.

Nội viết: Không đúng, vì hư không ở hư không. Nếu có pháp hư không thì phải có trú xứ, nếu không có trú xứ thì không có pháp. Nếu hư không ở trong hang lỗ thì hư không ở trong hư không, vì có chỗ dung chứa, nhưng không đúng. Do đó hư không không ở trong hang lỗ, cũng không thật trú trong ấy.

Vì sao?

Vì thật không có hư không, thật này không gọi là không. Nếu không có hư không thì không có trú xứ, vì không có chỗ dung chứa. Lại nữa, ông nói trú xứ là hư không, nghĩa là trong sự thật ấy không có trú xứ, tức là không có hư không, cho nên hư không không hiện bày khắp, cũng chẳng thường.

Lại nữa, vì vô tướng nên không có hư không. Mỗi một các pháp đều có tướng, vì có tướng nên biết có các pháp, như tướng kiên cố của đất, tướng thấm ướt của nước, tướng đốt nóng của lửa, tướng lay động của gió, tướng của thức là biết, mà hư không thì vô tướng, cho nên không.

Ngoại viết: Hư không có tướng, vì ông không biết nên không có, không sắc là tướng hư không.

Nội viết: Không đúng. Không sắc gọi là phá sắc, chẳng phải pháp co lại, giống như chặt cây, càng không có pháp. Cho nên không có tướng hư không.

Lại nữa, hư không vô tướng.

Vì sao?

Vì ông nói vô sắc. Tướng hư không này là hoặc sắc chưa sinh, lúc này không có tướng hư không. Lại nữa, sắc là pháp vô thường, hư không là pháp hữu thường.

Nếu lúc sắc chưa có thì trước phải có pháp hư không. Nếu sắc chưa có không chỗ diệt thì hư không là vô tướng, nếu vô tướng thì vô pháp, cho nên chẳng phải vô sắc là tướng hư không, chỉ có tên gọi mà không có thật. Các sự hiện bày khắp, thường cũng phá chung như vậy.

Ngoại viết: Có thời, pháp vì tướng thường có. Có pháp tuy không thể hiện thấy, vì cộng tướng tỷ tri so sánh tướng chung mà biết nên tin có. Thời như vậy tuy vi tế không thể thấy, vì có thời tiết, khí chất, hoa quả… nên biết có thời, đó là thấy quả biết nhân. Lại nữa, vì tướng nhất thời, không phải nhất thời, tướng xa gần… nên biết có thời, không phải không có thời, cho nên thường.

Nội viết: Trong quá khứ, vị lai là không, cho nên không vị lai. Như lúc đất nặn thành hình là hiện tại, còn đất là quá khứ, lúc đã thành hình là vị lai, đó là vì tướng thời là thường nên thời quá khứ không làm thời vị lai.

Kinh của ông nói: Thời là một pháp cho nên thời quá khứ không làm thời vị lai, cũng không làm thời hiện tại. Nếu quá khứ làm vị lai thì có lỗi xen tạp. Lại nữa, trong quá khứ không có thời vị lai, cho nên không vị lai, hiện tại cũng phá bỏ như vậy.

Ngoại viết: Vì nhận lấy quá khứ nên có thời. Vì lúc ông nhận lấy thời quá khứ nên ắt có thời vị lai, cho nên thật có thời, pháp.

Nội viết: Chẳng phải tướng vị lai là quá khứ. Ông không nghe ta trước nói đất quá khứ không làm bình vị lai.

Nếu rơi vào trong tướng vị lai, đó là tướng vị lai thì vì sao gọi là quá khứ?

Cho nên không có quá khứ.

Ngoại viết: Phải có thời, vì tự tướng riêng biệt. Hoặc hiện tại có tướng hiện tại, hoặc quá khứ có tướng quá khứ, hoặc vị lai có tướng vị lai, cho nên có thời.

Nội viết: Nếu vậy là tất cả hiện tại. Nếu ba thời có tự tướng thì nay đều phải là hiện tại. Nếu vị lai là không, nếu có không gọi vị lai mà phải gọi là dĩ lai, cho nên nghĩa này không đúng.

Ngoại viết: Vì quá khứ, vị lai hành tự tướng nên không có lỗi. Thời quá khứ, thời vị lai không hành tướng hiện tại, thời quá khứ hành tướng quá khứ, thời vị lai hành tướng vị lai, vì tên gọi này hành tự tướng nên không có lỗi.

Nội viết: Quá khứ chẳng phải quá khứ. Nếu quá khứ là quá khứ thì không gọi là quá khứ.

Vì sao?

Vì lìa tự tướng, như lửa bỏ đi sự nóng thì không gọi là lửa, vì xa lìa tự tướng. Nếu quá khứ không phải là quá khứ thì nay không nên nói thời quá khứ hành tướng quá khứ. Vị lai cũng phá trừ như vậy. Cho nên thời, pháp không thật có, chỉ có ngôn thuyết.

Ngoại viết: Thật có phương vì có tướng thường, chỗ Mặt Trời hợp lại là tướng phương.

Như Kinh tôi nói: Hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Chỗ Mặt Trời sáng sớm hợp lại gọi là phương Đông, các phương khác như vậy tùy theo Mặt Trời mà gọi.

Nội viết: Không đúng, vì phương Đông không phải là chỗ bắt đầu Mặt Trời mọc. Mặt Trời đi từ bốn thiên hạ, nhiễu quanh núi Tu Di. Mặt Trời ở trong cõi Uất Đơn Việt, Mặt Trời mọc ở Phất Vu Đãi, người Phất Vu Đãi dùng làm phương Đông.

Mặt Trời trong cõi Phất Vu Đãi, mọc ở cõi Diêm Phù Đề, người cõi Diêm Phù Đề lấy làm phương Đông. Trong cõi Diêm Phù Đề, Mặt Trời mọc ở Câu Da Ni, người cõi Câu Da Ni lấy làm phương Đông. Trong cõi Câu Da Ni, Mặt Trời mọc ở Uất Đơn Việt, người cõi Uất Đơn Việt lấy làm phương Đông. Như vậy là có phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc.

Lại nữa, chỗ Mặt Trời không hội tụ thì trong đó không có phương hướng, vì là vô tướng. Lại nữa, vì không nhất định nên ở đó không lấy làm phương Đông, ở chỗ kia không lấy làm phương Tây, cho nên phương hướng không thật có.

Ngoại viết: Không đúng. Vì một thiên hạ mà nói tướng phương này, chẳng phải là đều nói, cho nên phương Đông không phải là không đi qua lúc ban đầu.

Nội viết: Nếu vậy thì có ranh giới. Nếu Mặt Trời trước hợp lại một chỗ, đó gọi là phương Đông thì các phương đều có ranh giới, vì có biên giới nên có phần, vì có phần nên vô thường, cho nên nói là có phần, kỳ thật là không có phương.

Ngoại viết: Tuy vi trần không thường hiện bày khắp nhưng có sự thường không hiện bày khắp, vì có tướng quả này. Người đời hoặc thấy quả biết có nhân, hoặc thấy nhân biết có quả, như thấy sự nảy mầm biết có hạt giống. Pháp Thế Giới thấy các vật sinh, vì trước nhỏ sau to nên có thể biết hai vi trần làm quả đầu tiên, dùng một vi trần làm nhân, cho nên có vi trần, tròn mà thường, vì không có nhân.

Nội viết: Hai vi trần chẳng phải tất cả thân hợp lại, vì quả không tròn, lúc sinh quả các vi trần, chẳng phải tất cả thân hợp lại.

Vì sao?

Vì quả hai vi trần… mắt không thấy tròn. Nếu vi trần thân do tất cả hợp lại là quả hai vi trần… cũng phải tròn. Lại nữa, nếu tất cả hợp lại thân thì hai ấy cũng cùng hoại. Nếu vi trần hợp lại nặng thì quả cao, nếu hợp lại nhiều thì quả lớn, vì một phần hợp lại nên vi trần có phần, vì có phần nên vô thường.

Lại nữa, vi trần vô thường, vì khác biệt với hư không. Nếu có vi trần thì sẽ khác biệt với hư không, cho nên vi trần có phần, vì có phần nên vô thường.

Lại nữa, vì khác với sắc… nếu vi trần là có thì phải có phần như sắc, vị… cho nên vi trần có phần, vì có phần nên vô thường. Lại nữa, có hình, là pháp có tướng. nếu vi trần có hình thì phải có dài, ngắn, tròn, vuông… cho nên vi trần có phần, vì có phần nên vô thường, vì vô thường nên không có vi trần.

Ngoại viết: có pháp Niết Bàn là thường, không có phiền não, vì Niết Bàn không khác. Các phiền não như ái… vĩnh viễn dứt sạch, đó gọi là Niết Bàn. Có phiền não thì có sinh tử, vì không có phiền não nên vĩnh viễn không có sinh tử, cho nên Niết Bàn là thường.

Nội viết: Không đúng, vì pháp tác Niết Bàn. Nhờ nhân tu đạo nên không có các phiền não, nếu không phiền não, đó là Niết Bàn, Niết Bàn tức là pháp tác, vì pháp tác nên vô thường. Lại nữa, nếu không phiền não, đó gọi là không sở hữu. Nếu Niết Bàn không khác với không phiền não thì không có Niết Bàn.

Ngoại viết: Vì tác nhân. Niết Bàn là tác nhân của không phiền não.

Nội viết: Không đúng, vì chủ thể phá chẳng phải là phá. Nếu Niết Bàn có thể là giải thoát thì chẳng phải giải thoát. Lại nữa, lúc chưa dứt hết phiền não thì không có Niết Bàn.

Vì sao?

Vì không có quả nên không có nhân.

Ngoại viết: Không có quả phiền não. Niết Bàn này chẳng phải là không phiền não, cũng chẳng phải không có nhân phiền não là không có quả phiền não, cho nên chẳng phải không có Niết Bàn.

Nội viết: Phược ràng buộc có thể phược và phương tiện khác nhau, đó là không có dụng. Phược gọi là phiền não và nghiệp, có thể phược gọi là chúng sinh, phương tiện gọi là tám Thánh Đạo, vì dùng đạo để mở trói nên chúng sinh được giải thoát. Nếu có Niết Bàn thì ba pháp này khác nhau, tức không chỗ dụng. Lại nữa, không phiền não gọi là vô sở hữu, vô sở hữu không gọi là nhân.

Ngoại viết: Có Niết Bàn, là hoặc không có.

Hoặc ba việc vô xứ: Phược buộc, có thể phược, phương tiện, đó gọi là Niết Bàn.

Nội viết: Chỗ lo sợ vì sao có thể nhiễm?

Vì vô thường tai họa nên người trí đối với pháp hữu vi luôn trừ bỏ để được ly dục. Nếu Niết Bàn không có các tình và các việc của ái dục thì Niết Bàn đối với pháp hữu vi là chỗ rất đáng sợ.

Vì sao tâm ông nhiễm?

Niết Bàn là xa lìa tất cả sự vướng mắc, diệt tất cả sự nhớ nghĩ, chẳng có chẳng không, chẳng phải vật chẳng phải phi vật. Ví như đèn tắt thì không thể luận nói.

Ngoại viết: Ai được Niết Bàn?

Niết Bàn này người nào đắc?

Nội viết: Không đắc Niết Bàn. Trước tôi nói như đèn tắt, không thể nói đi ngả Đông, đi phương Tây, Nam, Bắc, bốn phương, trên, dưới. Niết Bàn cũng vậy, tất cả ngôn thuyết đều diệt, không thể luận thuyết, là không sở hữu.

Ai là người đắc?

Giả như có Niết Bàn cũng không người đắc. Nếu thần đắc Niết Bàn thì vì thần là thường là hiện bày khắp nên không đắc Niết Bàn, năm ấm cũng không đắc Niết Bàn.

Vì sao?

Vì năm ấm vô thường, vì năm ấm sinh diệt.

Niết Bàn như vậy phải thuộc về ai?

Nếu nói đắc Niết Bàn là trong thế gian mà nói.

***